Mới đây, PLVN đã có loạt bài: “Chính quyền bức tử doanh nghiệp”, phản ánh về việc cụ Lê Thị Phương Mai (SN 1942, chủ DNTN Thuận An 2, sau này là Công ty TNHH Thành Thuận, ngụ SN 325, khu 3, ấp 2, xã An Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) tố cáo bị chính quyền TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai phân biệt đối xử trong đầu tư kinh doanh; cưỡng chế tài sản trái quy định pháp luật… Sau khi báo đăng, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 3912/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về sự việc.
Công văn nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận được phản ánh về khiếu nại của bà Lê Thị Phương Mai và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thành Thuận bị gây khó khăn, đối xử không công bằng trong việc cưỡng chế, thu hồi đất để giao cho Liên hiệp HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop) khai thác đá.
“Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, giải quyết những phản ánh của Báo PLVN về khiếu nại, kiến nghị của gia đình bà Mai theo đúng quy định pháp luật; thông báo kết quả cho Báo PLVN; và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/8/2019”.
Trước đó, từ đầu tháng 3/2019, phát hiện vấn đề đã gây bức xúc dư luận từ nhiều năm qua tại Đồng Nai, đặc biệt giới doanh nhân và Việt kiều rất quan tâm, có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, Báo PLVN đã tìm hiểu, điều tra, thu thập thông tin.
Sau đó báo có loạt bài: “Chính quyền bức tử doanh nghiệp”, phản ánh sự việc gia đình cụ Lê Thị Phương Mai có quốc tịch Pháp, thường trú tại Việt Nam, sau 1975, cha mẹ anh chị em cụ Mai đều sang Pháp định cư, riêng cụ Mai và các con vì yêu quê hương nên xin ở lại Việt Nam.
Năm 2002, để có quyền kinh doanh đầu tư theo quy định giai đoạn đó, cụ Mai xin từ bỏ quốc tịch Pháp, nhập quốc tịch Việt Nam. Cụ Mai và thân nhân vừa khai hoang, vừa đầu tư tiền bạc nhận chuyển nhượng hơn 20ha đất tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, xây dựng các công trình trên đất, xin lập Khu du lịch sinh thái. Tỉnh Đồng Nai yêu cầu phải làm 11km, xây cầu bê tông dài hơn 25m bắc qua sông mới được xem xét. Cụ Mai chấp hành, thực hiện đầy đủ các yêu cầu trên của Đồng Nai.
Tuy nhiên, sau khi cụ Mai đã thực hiện các “yêu sách” trên của địa phương, khu đất bất ngờ rơi vào quy hoạch mỏ đá Tân Cang. Cụ Mai xin chuyển sang được khai thác đá trên đất đã nhận chuyển nhượng để phù hợp với quy hoạch của Nhà nước, thu hồi vốn đầu tư, thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Đồng Nai không chấp nhận, cho rằng tỉnh có chủ trương chỉ cho các Doanh nghiệp nhà nước khai thác khoáng sản. “Chủ trương” này có dấu hiệu vi phạm Luật Khoáng sản và các quy định về đầu tư kinh doanh khác, vì Thủ tướng mới có thẩm quyền nêu trên.
Theo quy định, dù đây là dự án đầu tư doanh nghiệp muốn lấy đất phải thỏa thuận với người có đất, nhưng Đồng Nai vẫn ra quyết định thu hồi hơn 10 ha đất cụ Mai đứng tên, giao Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop – không phải là Doanh nghiệp Nhà nước) khai thác đá. Số tiền bồi thường ban đầu là hơn 20 tỷ đồng, sau đó Đồng Nai hạ dần, cuối cùng chỉ còn 7 tỷ đồng. Cụ Mai không đồng ý. Đồng Nai sau đó cưỡng chế, mang mọi tài sản nhà cụ Mai đi đâu chưa rõ.
Văn bản chỉ đạo Đồng Nai xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị của gia đình cụ Mai theo đúng quy định; thông báo kết quả cho Báo PLVN; và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/8/2019. |
Số đất còn lại hơn 5ha, cụ Mai tiếp tục xin được khai thác đá. Đồng Nai vẫn không chấp nhận đề nghị này. Sau khi bị cưỡng chế, cụ Mai và thân nhân mất hết tiền bạc, công sức đầu tư, chỉ còn lại 5ha đất nằm giữa mỏ đá bụi mù mịt, không thể làm ăn được gì, hiện lại có dấu hiệu bị Dona Coop lấn đất. Cụ Mai đắp lò đốt than mưu sinh thì bị ngăn cản, bị cơ quan chức năng Đồng Nai và Công an TP Biên Hòa “điều tra”.
Đánh giá về sự việc, nhiều chuyên gia pháp luật đã lên tiếng vạch ra những dấu hiệu sai phạm của Đồng Nai trong vụ việc. Trong đó Luật sư Nguyễn Đình Thuận (Đoàn Luật sư TP HCM, Công ty luật An Thuận Phát), nhận định: “Việc UBND tỉnh Đồng Nai từ chối Thành Thuận, sau đó cưỡng chế đất của Thành Thuận giao Dona Coop hoạt động khai thác khoáng sản là không phù hợp quy định pháp luật, quy định của Chính phủ.
Sự việc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Thành Thuận, trong đó có quyền tự do, bình đẳng kinh doanh giữa các cá nhân, tổ chức với nhau. Việc này có thể gây mất uy tín, niềm tin của người dân đối với cơ quan Nhà nước địa phương”.
Sau khi báo PLVN đăng tải sự việc, nhiều cơ quan chức năng như Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam… đã làm việc với báo, tìm hiểu sự việc, đề nghị cung cấp hồ sơ tài liệu về sự việc để có những động thái tiếp theo.
Hiện cụ Mai đề nghị: 1. Đồng Nai và Dona Coop xin lỗi vì đã phân biệt đối xử, gây khó dễ, ức hiếp cụ. 2. Đồng Nai và Dona Coop tính toán đền bù hợp lý với diện tích đất đã thu hồi của cụ. 3. Địa phương xem xét giải quyết đề nghị cụ được quyền sử dụng khai thác diện tích 5ha còn lại theo đúng quy định pháp luật.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến sự việc trong các số báo tới.