Đột phá tư duy quy hoạch giao thông
Ý tưởng xây dựng dự án đại lộ ven sông Sài Gòn và dự án Sài Gòn New City được ông Đào Hồng Tuyển cùng các cộng sự dày công nghiên cứu trong suốt thời gian dài và được các chuyên gia kinh tế đánh giá dự án tạo nên sự đột phá về hạ tầng tại TPHCM.
Theo thiết kế ban đầu, dự án đại lộ ven sông Sài Gòn xuất phát từ cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh) đến cầu Bến Súc (huyện Củ Chi), với tổng chiều dài khoảng 64 km. Khi tuyến đường này hoàn thành, người dân tại TPHCM chỉ mất khoảng 25-30 phút đi từ Củ Chi về quận 1 (hiện nay mất khoảng 1 giờ 30 phút).
Ngoài rút ngắn thời gian đi lại, tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ thúc đẩy phát triển vùng đất đầy tiềm năng ở khu Tây Bắc TPHCM, giúp giãn hơn một triệu dân từ vùng trũng hay bị ngập lên một vùng đất cao hơn, hình thành các khu đô thị mới văn minh hiện đại trong tương lai.
Ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu (phải) và ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả tại lễ trao tặng ý tưởng và bản quyền |
Về pháp lý, dự án đã có thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TPHCM về việc chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn Tuần Châu hoàn thiện dự án đại lộ ven sông Sài Gòn, dự án New Saigon. Dự án cũng đã được trình bày trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ và nhận được lời khen ngợi của Thủ tướng về tính đột phá tư duy quy hoạch giao thông.
“Dự án trên xuất phát từ việc lãnh đạo TPHCM mời tôi vào, đề nghị tôi hiến kế, đưa ra những ý tưởng giúp thành phố phát triển đột phá về giao thông. Khi đó tôi đã mời các chuyên gia, bay khảo sát từ quận 1 (bến Bạch Đằng) đến Củ Chi (cầu Bến Súc), tiếp xúc với nhiều người dân, thấy vùng này vẫn còn khó khăn, đất đai hoang hóa, giao thông chưa thuận lợi” - ông Tuyển cho hay.
Không những vậy, theo ông Đào Hồng Tuyển, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi ra đời từ năm 2005, đến lúc đó đã 12 năm không phát triển được do không có hạ tầng giao thông kết nối. Trước những thực trạng trên, ông Đào Hồng Tuyển tâm tư, suy nghĩ tại sao không làm một đại lộ ven sông Sài Gòn, hạn chế đền bù giải tỏa nhà dân, tận dụng đất bãi bồi, đất ven sông?
Tuyến đại lộ khi hoàn thành sẽ khai thác được khoảng 15.000ha đất hoang hóa tại Củ Chi, người dân, Nhà nước sẽ được hưởng lợi rất nhiều, tạo giá trị gia tăng cho thành phố. Không những vậy, các khu đô thị hình thành trong tương lai sẽ giãn được khoảng hơn 1 triệu dân, kết nối giao thông thuận tiện với Bình Dương, Tây Ninh, Long An và khu vực lân cận.
Đến nay, dự án cơ bản được các bộ ngành và Trung ương đóng góp ý kiến và ủng hộ, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế, bảo hộ độc quyền cho cá nhân ông Đào Hồng Tuyển.
Vực dậy vùng đất phía Tây TPHCM đầy tiềm năng
“Để có được bản thiết kế này, chúng tôi đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng, dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD và hoàn thành trong vòng 24 tháng. Dự án cũng được các ngân hàng, các nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng cam kết tài trợ vốn và nguyên vật liệu với giá trị cam kết hơn 30.000 tỷ đồng” - ông Tuyển cho biết và nói thêm việc tặng ý tưởng dự án cho ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả bởi Tập đoàn Đèo Cả có uy tín, kinh nghiệm triển khai các công trình hạ tầng giao thông lớn ở Việt Nam như hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn... và bản thân ông Hồ Minh Hoàng là người có tâm huyết, hoài bão và khát vọng để thay ông Tuyển hoàn thành tâm nguyện ấp ủ lâu nay.
“Việc trao tặng dự án tâm huyết này cho ông Hồ Minh Hoàng là tôi tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo có tâm huyết, có chuyên môn cao và đầy khát vọng của Tập đoàn Đèo Cả sẽ thực hiện thành công dự án và vực dậy vùng đất phía Tây TPHCM đầy tiềm năng và giàu truyền thống cách mạng. Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi dự án trên với vai trò cố vấn cho Tập đoàn Đèo Cả” - ông Tuyển chia sẻ.
Nhận món quà của ông Đào Hồng Tuyển, ông Hồ Minh Hoàng cam kết, bản thân cùng Tập đoàn Đèo Cả sẽ quyết tâm xây dựng thành công dự án. Bởi dự án không chỉ là đột phá về giao thông, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa trung tâm thành phố với khu Tây Bắc mà còn là “đòn bẩy” phát triển vùng đất giàu truyền thống cách mạng Củ Chi, Hóc Môn. Dự án cũng là cầu nối liên vùng giữa TPHCM với tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, mở ra trang sử mới cho sự phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM.