Có một vị đốc học từng mang nhân cách, tài năng của ông đồ Nghệ vào xứ Quảng và làm cho vùng địa linh nhân kiệt này nở những bông hoa làm thơm trang sử Việt. Nhắc lại chuyện cũ để tưởng niệm, tri ân người xưa nhân kỷ niệm 90 năm ngày mất của ông.
|
|||
Đốc học Trần Đình Phong là “nhân sư” của học trò xứ Quảng. (Ảnh tư liệu) |
Ông là Trần Đình Phong (1847-1920), hiệu Mã Sơn, người thôn Yên Mã, xã Thanh Khê, tổng Thái Trạch, huyện Yên Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; nay thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông đỗ Cử nhân năm Bính Tý (1867), cùng khoa với Phan Đình Phùng, Cao Xuân Dục; đỗ Tiến sĩ năm Kỷ Mão (1879), cùng khoa với Nguyễn Duy Hiệu người Quảng Nam. Ông được bổ làm Tri phủ huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), sau làm Đốc học ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, rồi về Huế nhận chức Tế tửu Quốc tử giám.
Không lâu sau cái chết bi hùng của Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887), ông được bổ vào làm đốc học tỉnh Quảng Nam. Tại trường Thanh Chiêm, ông đào tạo được nhiều thế hệ học trò, trong đó có 6 người nổi tiếng là Trần Quý Cáp, Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng (Huỳnh Hanh) và Phan Quang. Dưới sự trực tiếp trông coi và dạy dỗ của ông, những người học trò lỗi lạc này đã làm cho giới khoa bảng cả nước ngày đó ngưỡng mộ bằng những kỳ tích khoa cử.
Khoa thi Mậu Tuất (1898), sĩ tử Quảng Nam có 5 vị cùng đỗ một lần, 3 tiến sĩ và 2 phó bảng, mang về danh hiệu “Ngũ phụng tề phi” (Năm chim phụng cùng bay) cho xứ Quảng. Khoa Canh Tý (1900) có 32 cử nhân thì Quảng Nam chiếm 15 người, trong đó có 9 người đứng đầu bảng, thủ khoa là Huỳnh Thúc Kháng. Khoa Tân Sửu (1901), Phan Châu Trinh cùng với 3 sĩ tử Quảng Nam khác đỗ phó bảng. Khoa Giáp Thìn (1904), Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp cùng đỗ tiến sĩ. Các nhà khoa bảng xứ Quảng này thọ nhận ở thầy mình không chỉ tài văn chương mà cả tấm gương đạo cao đức trọng để dấn thân vào các phong trào đối kháng thực dân, canh tân đất nước.
Phan Châu Trinh là một tấm gương sáng trong phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX với chủ trương Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, được xem là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ. Huỳnh Thúc Kháng sáng lập tờ báo Tiếng Dân tại Huế và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút cho đến khi tờ báo này bị đình bản, năm 1943. Trần Quý Cáp đi vào lịch sử dân tộc với vụ án để đời “Mạc tu hữu”, nghĩa là chẳng cần có tội, muốn giết thì giết - vụ án mà từ Phan Châu Trinh (qua Trung kỳ dân biến thỉ mạt ký) đến Phan Bội Châu (qua Văn tế Thai Xuyên) và cả Nguyễn Ái Quốc (qua Bản án chế độ thực dân Pháp) đều lên án tội ác của bọn cường quyền...
Đốc học Trần Đình Phong không chỉ để lại cho đời những học trò tài đức vẹn toàn, mà còn đào tạo những người con nối chí cha làm rạng danh gia phong cốt cách. Trần Đình Đoàn đỗ cử nhân khoa Canh Tý (1900). Trần Đình Nam là một nhân sĩ thời danh, là người viết Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại năm 1945, từng làm bác sĩ điều trị tại Bệnh viện dân y ở Đà Nẵng. Trần Đình Phiên làm phụ tá cụ Huỳnh Thúc Kháng, quản lý báo Tiếng Dân trong suốt 16 năm. Ông Phiên cũng là một trong hai giáo viên chính ở Trường Dục Thanh, được xây dựng ở Phan Thiết năm 1907, cùng năm xây dựng với trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Ông để lại nhiều áng thơ văn, trong đó đáng kể nhất là “Quốc triều chánh biên toát yếu” và “Quảng Nam tỉnh phú” (bài phú về địa lý tỉnh Quảng Nam, gồm số phủ, huyện, giới hạn, núi sông, nhân vật, thổ sản...). Trong “Quảng Nam tỉnh phú”, ông ngợi khen xứ Quảng là vùng đất hiếu học và có nhiều người học giỏi: “Trải xem non cao thủy thanh, thấy rõ hàng châu danh thắng. Mới biết địa linh nhân kiệt nảy sinh anh tuấn khác thường. Nam cung ứng tuyển, nhạn tháp đề danh”.
Đất Nghệ An sản sinh nhiều ông đồ lừng danh, trong đó có thầy Nguyễn Thức Tự (1841 - 1923). Trong hơn 30 năm dạy học, thầy đào tạo trên 400 học trò thành đạt, trong đó có một số yếu nhân của phong trào Duy tân, Đông du. Khi thầy qua đời, Phan Bội Châu đang bôn ba hoạt động cách mạng trên nước Trung Hoa xa xôi đã gửi về bài điếu văn khóc thầy, trong đó có 4 câu: “Đạo thông thiên địa/ học bác cổ kim. Kinh sư dị đắc/ nhân sư nan tầm” (nghĩa là: Đạo thông cả trời đất/ học rộng cả xưa nay. Thầy dạy kinh điển thì dễ gặp/ thầy dạy làm người thì khó tìm).
Khi nói về thầy mình, những thế hệ học trò trường Thanh Chiêm ở xứ Quảng xưa cũng kính cẩn gọi Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong là “nhân sư”. Mỗi khi đến viếng Nhà thờ Trần Đình Phong ở xóm Lũy, xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An (đã được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ ngày 10-12-1993), những người con xứ Quảng lại có dịp tưởng nhớ công cao đức trọng của ông đồ Nghệ năm nào...
VIÊN PHÚC QUÂN