[links()]
Tương tự phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó giám đốc Sở GTVT kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.Hồ Chí Minh đã bác bỏ toàn bộ lời khai của các quan chức PCI về việc “cò kè” ngã giá % hoa hồng, chung chi tiền cho bị cáo Sĩ để đổi lại là được Sĩ ưu ái trong quá trình đàm phán, thực hiện dự án Đại lộ Đông Tây.
“Cò kè bớt một, thêm hai”!
Hôm qua-30/8, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở phiên xử phúc thẩm xét kháng cáo của bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó giám đốc Sở GTVT kiêm Trưởng Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.HCM đã bị TAND TP.HCM tuyên xử tù chung thân về tội nhận hối lộ hồi cuối năm 2010.
|
Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ |
Cũng như như tại phiên tòa sơ thẩm, nhiều nhân chứng của vụ án đã không có mặt tại tòa trong đó có các quan chức Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI). Đặc biệt, tại phiên tòa phúc thẩm này, nhân chứng Lê Quả (Nguyên Phó giám đốc BQLDA Đại lộ Đông Tây TP.HCM) cũng không có mặt do phải dự lễ công bố đặc xá, tha tù trước thời hạn tại trai giam nơi bị án này đang thi hành bản án 5 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bào chữa cho bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ tại phiên xử phúc thẩm là 2 luật sư Trần Văn Tạo và Phan Trung Hoài.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hùynh Ngọc Sĩ đã xác nhận yêu cầu kháng cáo là kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì: “Bị cáo không phạm tội nhận hối lộ như án sơ thẩm quy buộc; bị cáo không nhận bất cứ khỏan tiền nào từ phía PCI và cũng không làm gì có lợi cho PCI”.
Để làm rõ thêm, HĐXX cấp phúc thẩm đã trích bản cung, lời khai của các quan chức PCI về quá trình thỏa thuận chi phần trăm (%) hoa hồng, “chung chi” tiền giữa họ với bị cáo Sĩ để được Sĩ hậu thuẫn. Theo lời khai của ông Tsuneo Sakano (Trưởng văn phòng đại diện PCI tại Việt Nam), ông là người được giao nhiệm vụ tiếp cận, thỏa thuận với ông Sĩ. Sakano đã đặt thẳng vấn đề với ông Sĩ: “Chúng tôi muốn trúng thầu hợp đồng tư vấn thiết kế đại lộ Đông - Tây và mong ông tạo điều kiện...
Chúng tôi phải đưa ông bao nhiêu tiền?”. Ông Sĩ trả lời: “20% giá trị hợp đồng”. Sakano nói quá cao và ông Sĩ đồng ý giảm xuống 15%. Sau khi về báo cáo lại, phía PCI cho rằng quá cao nên vài ngày sau Sakano đến phòng làm việc của ông Sĩ tại Ban QLDA thương lượng tiếp, ông Sĩ đồng ý giảm xuống 10%. Ông Sakashita Haruo (Giám đốc dự án đại lộ Đông - Tây của PCI) cũng khai tương tự. Theo tính toán của phía PCI, trị giá hợp đồng khoảng 9 triệu USD nên khoản tiền PCI phải đưa cho ông Sĩ là 900.000USD.
Phủ nhận hành vi phạm tội
Còn theo lời khai của các ông Sakano và Sakashita thể hiện trong hồ sơ, đến tháng 9/2001 hai ông lại một lần nữa gặp ông Sĩ tại khách sạn New World và tiếp tục đặt vấn đề muốn ký hợp đồng tư vấn giám sát dự án. Khi hỏi giá bao nhiêu, ông Sĩ trả lời: “Không đối thủ cạnh tranh..., quá dễ dàng để nhận hợp đồng này, 15%”. Sakashita nói quá cao, xin được hạ xuống thì Sĩ “OK, 12%”. Sau đó, trong hai lần làm việc vào năm 2002 và đầu tháng 1/2003, Sakashita đến phòng ông Sĩ và tiếp tục thương lượng xin giảm tỉ lệ chung chi nhưng ông Sĩ vẫn đòi đúng 12%.
Đến giữa tháng 1/2003, hai ông Sakashita và Sakano cùng đến phòng làm việc của Sĩ lần nữa và nói: “Ông nói 12%, tôi nói 10%, vậy cưa đôi là 11%. Mong ông đồng ý”. Lần này ông Sĩ “Ok”. Đại diện PCI tính toán trị giá hợp đồng tư vấn giám sát hơn 15,4 triệu USD nên phần tiền đưa cho ông Sĩ tương đương 1,7 triệu USD.
Theo hồ sơ vụ án, đến nay các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam chỉ mới xác định được vào trưa 28/5/2003, tại phòng làm việc của mình (số 3, đường Nguyễn Thị Diệu, phường 6, quận 3), ông Sĩ đã nhận 262.000 USD của ông Sakano, Takasu (quan chức PCI) để có những việc làm không đúng và có lợi cho PCI. Cụ thể: loại bỏ Công ty Nippon Koie, chấp nhận đề xuất cho các cấp có thẩm quyền xét duyệt, chỉ định thầu tư vấn giám sát cho PCI; ký hoạt động phê duyệt mức lương chuyên gia tư vấn nước ngoài cao hơn mức lương so với bản dự toán đã được đàm phán giữa Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và chính phủ VN vào ngày 28/10/1999...
Trả lời câu hỏi của HĐXX cấp phúc thẩm về quan điểm đối với những lời khai trên? Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ đã phủ nhận tất cả. Bị cáo Sĩ cho rằng những lời khai này không có giá trị pháp lý vì nó được xác lập bởi các cơ quan tố tụng Nhật Bản chứ không phải bởi các cơ quan tố tụng Việt Nam.
Dự kiến hôm nay (31/8), phiên tòa tiếp tục làm việc và tuyên án.
Vợ bị cáo Huỳnh Ngọc Sỹ “đòi” tài sản Tại phiên tòa, bà Phan Thị Lịch Sa (vợ của bị cáo Sĩ) là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng có đơn kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm tuyên hủy bỏ lệnh kê biên đối với 2 căn nhà ở địa chỉ số 37 đường Bàn Cờ, phường 3, quận 3 và 350 đường Võ Văn Tần, phường 5, quận 3, TP.HCM mà cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã kê biên trong quá trình điều tra vụ án. Bà Sa cho rằng tài sản là do ba mẹ cho, nhưng khi HĐXX đưa ra yêu cầu hãy trưng ra những giấy tờ pháp lý liên quan đến tài sản cho Tòa. Bởi, trong hồ sơ vụ án này không có bất csứ một bút lục nào chứng minh lời bà Sa nói… |
Phong Trần