Sau 7 lần xảy ra sự cố vỡ đường ống nước, chiều ngày 10/7, trước khi trả lời HĐND Hà Nội về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục việc đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ tới 7 lần, ảnh hưởng cuộc sống của 70.000 hộ dân, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng thông báo: “Đường ống nước sạch sông Đà về Hà Nội lại vỡ rồi".
Một trong những lần xảy ra sự cố vỡ ống nước |
Theo ông Hùng, việc đường ống dẫn nước sông Đà về Hà Nội vỡ đến lần thứ 8 cũng không phải là vấn đề mới vì ngay từ đầu sự cố đường ống dẫn nước được UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo đưa ra rất nhiều giải pháp khắc phục. Thay mặt UBND thành phố, ông Hùng cũng mong sẽ nhận được sự chia sẻ của nhân dân.
Khi thông tin này chưa kịp "nguội", thì 4h sáng nay 12/7, ống nước Sông Đà lại tiếp tục... vỡ!
Như vậy, tính đến nay, sau 6 năm đi vào sử dụng đường ống nước sông Đà đã 9 lần bị vỡ. Dự án làm đường ống thứ 2 dẫn nước sông Đà về Hà Nội đang được lên kế hoạch nhưng từ giờ đến khi được thực hiện hàng chục nghìn hộ dân vẫn phải thấp thỏm sống trong cảnh ống vỡ - mất nước.
Liên quan đến sự việc này, Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty luật Thiên Minh đưa ra quan điểm rằng, cơ quan cảnh sát điều tra cần vào cuộc xem xét hành vi vi phạm của các đơn vị trúng thầu thi công đường ống dẫn nước Sông Đà bị vỡ và sửa chữa đi, sửa chữa lại đến 8 lần.
"Đường ống dẫn nước Sông Đà được xem là công trình đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân sinh, hơn thế đây là một công trình có quy mô lớn, có sử dụng vốn đầu tư lớn nên việc giám sát, thi công công trình phải được kiểm soát một cách chặt chẽ để bảo đảm chất lượng công trình". Luật sư Diện nhấn mạnh.
Luật Sư Vi Văn Diện cho rằng, căn cứ theo luật, cần truy trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân |
Ông Diện cũng cho biết thêm: Tuy nhiên, công trình này đã bị hư hỏng và phải sửa chữa nhiều lần và kéo theo đó là việc tiêu tốn tiền của của nhà nước, của nhân dân nhưng vấn đề trách nhiệm cụ thể thì không thấy chỉ rõ cá nhân nào phải chịu, hoặc do thiếu trách nhiệm mà các cơ quan chức năng không quyết liệt trong việc xử lý các đơn vị có liên quan, những cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Xét thấy có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật hình sự được quy định tại Điều 165 về tội danh "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và Điều 285 về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Vì vậy, theo LS Diện, cơ quan điều tra cần thiết phải vào cuộc làm sáng rõ có hay không hành vi phạm tội của những cá nhân, đơn vị đã gây ra hậu quả nghiêm trọng này.
Tiếp đó Bộ xây dựng cần chỉ đạo trực tiếp về việc thi công công trình này, tránh tình trạng để những đơn vị năng lực yếu kém, thiếu kinh nghiệm đưa những sản phẩm kém chất lượng vào thi công những công trình trọng điểm như thế này để đỡ tốn kém tiền của của nhà nước, tiền thuế của nhân dân./.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục đưa tin về vụ việc này...
Mọi ý kiến, phản hồi của độc giả xin gửi về hòm thư baodientuphapluat@gmail.com hoặc điện thoại đường dây nóng: 0904988 788.