"Nếu anh Kiên ký một công văn với nội dung như trên thì là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp,” chủ tịch AVG tuyên bố.
Trả lời phỏng vấn sau khi bắt tay với VTV, phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên cho biết, hợp đồng bản quyền truyền hình mới sẽ có giá trị cao hơn nhiều lần so với hợp đồng đã có.
Công văn xác nhận cho phép VTV quyền tạm thời được tuyên truyền, truyền hình trực tiếp và phát sóng các trận đấu của các giải Ngoại hạng, hạng Nhất, cúp Quốc gia của VPF ra ngày hôm nay là động thái mở màn của công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong việc khẳng định quyền hạn của mình về quản lý và khai thác thương quyền bốn giải bóng đá trong nước thuộc phạm vi của VPF.
Như vậy, sau AVG, đây là công ty thứ hai cùng một lúc tham gia điều tiết vấn đề bản quyền truyền hình. Trao đổi về thắc mắc này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch VPF cho biết: "Tôi không biết gì về bản hợp đồng của người khác. Tôi chỉ biết việc của chúng tôi, của VPF. Tôi chỉ làm trong phạm vi và quyền hạn mà công ty VPF được phép. Cái gì liên quan giữa AVG và VFF là chuyện riêng giữa hai bên".
Ông Phạm Nhật Vũ phản pháo. |
Đây là bước đi đầu tiên của Hội đồng quản trị VPF trong việc phối hợp với các nhà đài, mà đầu tiên là VTV với mục tiêu đưa các trận đấu và hình ảnh của các giải bóng đá trong nước xuất hiện với tần số cao.
VPF cũng chủ trương bán quản quyền truyền hình cho các đài như kiểu phát hành bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh. Tính ra nếu VTV mua 5-6 trận mỗi tuần trên tất cả các kênh quảng bá, kể cả VCTV và K+ thì giá trị bản quyền truyền hình có thể lên tới 15 tỉ đồng.
Trước thông tin về hợp đồng mới với VTV, ông Kiên chỉ nói: "Tôi bảo đảm một điều là VPF sẽ có một hợp đồng bản quyền truyền hình giá trị cao hơn nhiều lần so với hợp đồng đã có" và từ chối bình luận về hợp đồng của AVG - bản hợp đồng mà ông cho rằng mình không hề biết đến, cũng như cho rằng chưa phải thời điểm để nói đến giá trị cụ thể của hợp đồng.
Việc ông Kiên "phớt lơ" AVG là vì trong thông báo chính thức ngày 28/12, AVG đã tuyên bố không coi VPF là đối tác đàm phán, cũng như không chấp nhận việc VFF đơn phương chuyển giao hợp đồng của mình với VPF. AVG chỉ cho phép VPF tiếp cận hợp đồng sau khi có văn bản đồng ý của cả công ty này cùng VFF.
Ông Kiên bày tỏ sự tin tưởng vào tính pháp lý của hợp đồng bản quyền truyền hình mà VPF tiến hành: "Khoản 2, điều 53, Luật thể thao năm 2006, trong đó quy định rất chi tiết, cụ thể về bản quyền truyền hình. Đó là cơ sở cho vấn đề bản quyền của VPF".
AVG từng tuyên bố sẽ tiến hành mọi biện pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng. Về điều này, ông Kiên nói: "Cái gì liên quan đến AVG thì tôi thể không trả lời, vì tôi có biết gì về AVG đâu. Tôi chưa biết ai sẽ kiện, nên tôi chưa thể bình luận về chuyện chưa có".
Trong khi đó, ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), đơn vị đang sở hữu bản quyền truyền hình các giải bóng đá VN trong thời hạn 20 năm tuyên bố: "Nếu anh Kiên ký một công văn với nội dung như trên thì là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp, ở đây là bản quyền truyền hình, vi phạm quyền hợp pháp của một tổ chức".
Điều 53 Luật Thể dục Thể thao: Quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp 1. Việc bảo hộ quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp được thực hiện theo pháp luật về dân sự và pháp luật về sở hữu trí tuệ. 2. Liên đoàn thể thao quốc gia, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp do mình tổ chức. 3. Chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp được chuyển nhượng quyền sở hữu đối với giải thể thao cho tổ chức, cá nhân theo hợp đồng do các bên thoả thuận. 4. Chính phủ quy định chi tiết về quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp. |
Theo VNE