Ông Sarkozy khó thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống 2012

Ngày mai (22/4), hơn 40 triệu cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu tại vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012. Giới phân tích nhận định, cả 10 ứng viên sẽ không giành được đa số tuyệt đối ngay ở vòng đầu - đồng nghĩa với việc 2 ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ đối đầu ở vòng 2, dự kiến tổ chức vào ngày 6/5 tới. Đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy trong khi đó lại đang ngày càng tỏ ra “hụt hơi” trước đối thủ chính là ứng viên đảng Xã hội François Hollande.

 Ngày mai (22/4), hơn 40 triệu cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu tại vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012. Giới phân tích nhận định, cả 10 ứng viên sẽ không giành được đa số tuyệt đối ngay ở vòng đầu - đồng nghĩa với việc 2 ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ đối đầu ở vòng 2, dự kiến tổ chức vào ngày 6/5 tới. Đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy trong khi đó lại đang ngày càng tỏ ra “hụt hơi” trước đối thủ chính là ứng viên đảng Xã hội François Hollande. 

Tổng thống Nicolas Sarkozy hôm 19/4 tại Boulogne-Billancourt, gần Paris. Ảnh: AFP

Hôm qua (20/4), các ứng viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2012 bước vào ngày vận động tranh cử cuối cùng trước khi cuộc bầu cử vòng 1 diễn ra vào ngày 20/4. Dù chỉ còn hơn 1 ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử chính thức nhưng kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, có đến gần 25% cử tri Pháp vẫn chưa có quyết định cuối cùng về ứng viên mà họ sẽ lựa chọn trong “cuộc đua tranh chức tổng thống Pháp sít sao nhất trong nhiều thập kỷ”.

Trong ngày vận động tranh cử cuối cùng, ứng viên đảng Xã hội Francois Hollande có buổi vận động ở Bordeaux còn đương kim Tổng thống Sarkozy dự kiến tổ chức buổi vận động tranh cử cuối cùng ở thành phố Nice. Giới phân tích nhận định, trong cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 22/4, tất cả các ứng viên sẽ không ai giành được 50% số phiếu cần thiết để giành chiến thắng và cuộc bỏ phiếu sẽ bước vào vòng đua quyết định, với chiến thắng nhiều khả năng sẽ thuộc về ứng viên Hollande.

Theo kết quả cuộc thăm dò gần đây nhất do Viện nghiên cứu dư luận và thị trường Pháp (CSA) thực hiện cho thấy, khoảng cách giữa 2 ứng cử viên hàng đầu này ngày càng gia tăng theo chiều hướng bất lợi đối với ông Sarkozy.

Cụ thể, tại vòng 1 cuộc bầu cử, ứng cử viên Hollande được 29% số người ủng hộ, dẫn 5 điểm trước đối thủ Sarkozy. Còn tại vòng 2, ông Hollande tiếp tục gia tăng cách biệt với 58% số phiếu bầu, hơn đến 16 điểm so với số phiếu ủng hộ mà ông Sarkozy giành được (42%). Ứng cử viên đảng Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen có thể được 17% số phiếu bầu còn ứng cử viên Mặt trận Cánh tả (FG) Jean-Luc Mélenchon đứng thứ tư với khoảng 14 đến 15% cử tri ủng hộ. Ứng cử viên François Bayrou của Phong trào Dân chủ (MoDem) ở vị trí thứ 5 với khoảng 10% số phiếu bầu.

Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu và Nhận thức dư luận Pháp (CECOP), các kết quả thăm dò được thực hiện trong những tháng qua đã phản ánh gần đúng thực tế chiến dịch vận động của từng ứng cử viên. Giám đốc CECOP Jérôme Jaffré cho rằng, điều khiến cho ông Sarkozy mất đi sự ủng hộ của cử tri Pháp trong 5 năm cầm quyền và khiến dư luận nghiêng về phía ông Hollande chính là do thành tích kinh tế yếu kém của Pháp.

Báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày 17/4 cho hay, thâm hụt công của Pháp năm 2012 sẽ lên đến 4,6% GDP so với mức 4,4% mà chính phủ Pháp đã cam kết. Mức thâm hụt này trong năm 2013 dự kiến sẽ là 3,9% GDP - cao hơn mục tiêu chỉ 3% như đã cam kết.

Trước tình hình này, thay vì lấy vấn đề thâm hụt ngân sách để bảo vệ một chiến dịch tranh cử lấy sức cạnh tranh của nước Pháp làm trọng tâm thì ông lại hướng chiến lược tranh cử của mình vào các chủ đề lan man hòng giành được phiếu bầu của những cử tri bình dân và những người theo chủ nghĩa dân tộc.

Còn ứng viên Hollande nắm lấy lợi thế bằng cam kết sẽ ưu tiên tăng trưởng thay vì các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà Sarkozy áp dụng để cân bằng ngân sách của Pháp. Hồi đầu tuần, ông Hollande tiếp tục khẳng định cam kết của mình bằng tuyên bố sẽ không cấp phép cho các công ty tài chính của Liên minh châu Âu tại Pháp nếu các công ty này không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bản địa.

Khoảng cách giữa đương kim Tổng thống Sacozy và ông Hollande vẫn chưa nói lên điều gì chắc chắn. Kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào lá phiếu chính thức của các cử tri trong cuộc bỏ phiếu vòng 1 dự kiến diễn ra vào ngày 22/4 và vòng 2 diễn ra vào ngày 6/5 tới. Và nếu không giành chiến thắng, ông Sarkozy sẽ trở thành đương kim tổng thống đầu tiên không giành được nhiệm kỳ thứ 2 tại điện Élysée kể từ năm 1981 đến nay. Trong khi đó, ông Hollande lại tràn trề hy vọng trở thành ứng viên đầu tiên của đảng Xã hội trở thành Tổng thống trong 17 năm qua.

Minh Ngọc (Theo BBC)

Đọc thêm