Ông Táo về trời

Thông thường thì năm thê bảy thiếp chứ ít khi xảy ra trường hợp một bà hai ông - “Thế gian một vợ một chồng/ Không như vua bếp hai ông một bà”. Trên giấy trắng mực đen, câu chuyện của phương Bắc và phương Nam không khác nhau lắm - một câu chuyện tình éo le, xót xa kết thúc bằng ba cái chết cùng trong ngọn lửa.

Thông thường thì năm thê bảy thiếp chứ ít khi xảy ra trường hợp một bà hai ông - “Thế gian một vợ một chồng/ Không như vua bếp hai ông một bà”. Trên giấy trắng mực đen, câu chuyện của phương Bắc và phương Nam không khác nhau lắm - một câu chuyện tình éo le, xót xa kết thúc bằng ba cái chết cùng trong ngọn lửa.

Theo như phương Bắc, thì ba người hóa thân thành thổ công, thổ địa, thổ kỳ mãi mãi bên nhau dưới một mái nhà. Đi xa hơn, có người còn bảo câu chuyện một bà hai ông bắt nguồn từ quẻ ly - ly vi hỏa, hào một và hào ba dương tượng trưng cho hai ông, còn hào âm ở giữa là ngôi vị của bà, như vậy là đắc trung, nội quái ngoại quái không khác nhau. Đã là ly-là mặt trời, là sáng nên người Trung Hoa cúng ông Táo vào mùa hè. Người khác thì lại cho rằng câu chuyện có gốc tích từ thuyết ba ngôi, vốn khá phổ biến trong các tôn giáo…

Nhưng tín ngưỡng dân gian phương Nam không nghĩ thế, người Việt cho đến tận bây giờ vẫn tin rằng ba người yêu nhau thương nhau ấy vốn là người trần thế, vốn thuộc cõi nhân gian, vốn cũng yêu cũng thương cũng ghét cũng giận cũng hờn cũng ghen tuông, hóa thân là ba ông đầu rau chụm đầu vào nhau trông một bếp lửa. Bằng chứng ư? Thì chẳng phải ngày rằm, mồng một khi thắp nén hương ngoài sân, người Việt khấn lạy thổ địa như một vị thần riêng biệt, không mảy may dính dáng tới hai vị kia, thì chẳng phải “ông” đầu rau ở giữa là bà Táo, khác hai “ông” kia bởi một vết lõm – dân gian vẫn bảo là lỗ rốn, đó sao? Chết trong lửa tái sinh canh giữ ngọn lửa – cái tình ấy cái tấm lòng ấy là lửa tình là lửa lòng đấy thôi! Ngày tháng nối đuôi nhau, bếp dầu hỏa, bếp điện, bếp gaz, bếp từ, lò vi-ba thế chỗ ngọn lửa hồng nhưng tình yêu xưa thì vẫn cháy bỏng trong sức nóng không hề suy giảm…

Ở đâu trên mặt đất này có người thì có ngọn lửa bếp. Nhưng cái bếp của một người qua quít cho xong, khác cái bếp của một gia đình đầm ấm, lại khác cái bếp của ngày giáp Tết reo vui, tưng bừng không khí lễ hội. Quanh năm suốt tháng khi nồi rau luộc, lúc trã cá kho, con tép xào khế, con cua nấu riêu. Tết đến, nồi măng nấu gà trống thiến thơm ngan ngát, nồi chân giò nấu đông xua tan hơi lạnh, đĩa nem rán gói thịt nạc, thịt cua bể gọi mời, vại dưa hành ngâm tro, thẩu dưa món, vại cải muối, lọ kiệu ngâm giấm mới nhìn đã ứa nước miếng…

Những bánh chưng bánh tét, những giò lụa giò thủ, nem chua... Những mộc nhĩ, nấm hương, những hành những ngò ướp mùi thơm cho gian bếp... Những mứt gừng, mứt sen, mứt bí, mứt dừa, mứt khoai tây, mứt cà rốt, điểm màu khoe sắc... Lại còn những thẩu thịt heo ngâm nước mắm để dành ra giêng... Hình như những món ngon nhất, độc đáo nhất đều dành cho ba ngày Tết. Ngày xưa thiếu thốn đã đành, bây giờ no đủ vẫn thế. Đã ngon, lại phải chờ cả năm nên háo hức, nên mong ngóng. Bát chân giò nấu đông có thêm ít thịt gà, vài cái nấm hương trong cái lạnh cuối năm sao mà thấm thía.

Quả nem gói thịt nạc hồng tươi kèm tép tỏi sao mà đúng điệu. Miếng măng dường như đã hút hết cái ngon, cái ngọt của chân giò, của gà mềm mại trong miệng. Miếng giò lụa mịn màng, miếng giò thủ sừn sựt, đĩa thịt gà xé phưng phức mùi lá chanh, đĩa bánh chưng, những khoanh bánh tét xanh một màu non tơ… Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, người giàu kẻ nghèo, người khéo tay kẻ vụng về nhưng tất cả giống nhau, đều gặp nhau ở một điểm, là nấu nướng những món ngon nhất, chuẩn bị nhiều thức ăn nhất vào những ngày năm cùng tháng tận. Quanh năm đầu tắt mặt tối, nhịn ăn nhịn mặc, ba ngày Tết tội gì không đình đám không hội hè không ăn uống cho thỏa sức?...

Lạ một cái, lạ lắm, đúng vào khoảng thời gian cái bếp bận rộn nhất, lửa đỏ suốt từ tinh mơ tới nửa đêm, thì khác với phương Bắc, người Việt làm mâm cơm tiễn ông Táo về trời. Gần cả  năm chịu thương chịu khó giữ ngọn lửa hạnh phúc cho gia đình, giữ niềm vui cho những bữa cơm, thì cũng nên nghỉ ngơi một chút! Từ ngày 23 kia, là vì đường lên trời xa ngái, đi sớm để còn kịp về đón Tết với cả nhà. Ba người đã nhập thành một ngôi vua bếp, lại còn thảnh thơi thong thả những ngày cuối năm. Là bởi người Việt duy tình, trọng tình, coi cái tình là cái trước hết, trên hết...

Hoàng

Đọc thêm