Hành vi của ông Cang “là nguồn cơn Sadeco bán CP giá rẻ”
Theo HĐXX, hồ sơ vụ án, nội dung thẩm vấn công khai tại tòa... cho thấy ông Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực TP HCM) với vai trò Phó Bí thư trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Thành ủy (có vốn góp tại Sadeco), phải hiểu và nắm rõ các quy định về quản lý kinh doanh, sử dụng vốn của Nhà nước ra bên ngoài.
Tuy nhiên, khi Văn phòng xin ý kiến về việc chuyển nhượng cổ phần (CP) tại Sadeco với giá 40.000 đồng/CP, bị cáo đã không chỉ đạo Phạm Văn Thông (Phó Chánh văn phòng) phải thực hiện theo quy định đấu giá công khai, thẩm định giá.
Từ hành vi khách quan và các chứng cứ vật chất là các tờ trình có bút phê... đều thể hiện ý thức của ông Cang “đồng ý” với việc chuyển nhượng CP cho Cty CP Đầu tư Phát triển Nguyễn Kim. Tại tòa, bị cáo cho rằng Văn phòng báo cáo không trung thực khi xin ý kiến bằng tờ trình 12A (không thể hiện giá CP và cổ đông chiến lược) nhưng khi thông qua lại sử dụng tờ trình khác. “Các tờ trình này chỉ khác nhau về việc không nêu tên cổ đông chiến lược nhưng bản chất đều là chuyển nhượng CP với giá 40 ngàn đồng/CP cho một cổ đông chiến lược”, bản án nêu.
Hành vi này của ông Cang, theo toà, đã tạo điều kiện cho Tề Trí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Sadeco) thực hiện việc chuyển nhượng 9 triệu CP của Sadeco cho Cty Nguyễn Kim gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước. “Do đó, việc bị cáo và luật sư cho rằng không phạm tội là không có căn cứ”, HĐXX nêu quan điểm.
Đánh giá sai phạm của ông Cang là nguồn cơn Sadeco bán CP giá rẻ, thiệt hại 669 tỷ đồng, song toà cũng ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ của cựu Phó Bí thư. Từ đó, toà tuyên phạt ông Cang mức án 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí theo khoản 3 Điều 219 BLHS. Hình phạt này thấp hơn mức 12-14 năm tù mà VKS đề nghị.
Trước đó, trong quá trình diễn ra phiên xử, ông Cang phản đối cáo trạng xác định vai trò “đầu vụ” khi đã đồng ý để Sadeco phát hành 9 triệu CP cho Cty Nguyễn Kim không qua đấu giá. Ông Cang cho rằng bút phê của mình chỉ thống nhất về chủ trương chứ không phải là chỉ đạo có tính quyết định để thực hiện việc phát hành CP dẫn đến thiệt hại của Sadeco. Chỉ đạo của ông chỉ có ý nghĩa với việc biểu quyết trong phần vốn góp của Thành ủy (16,7%) tại Cty này.
Thế nhưng khi được thẩm vấn tại tòa, Tề Trí Dũng lại cho rằng việc Phó Bí thư Thành ủy Tất Thành Cang bút phê “đồng ý” với phương án để Sadeco phát hành 9 triệu CP cho Cty Nguyễn Kim là “chỉ đạo quan trọng nhất trong vụ án và có tính quyết định”, gây thiệt hại tiền của Nhà nước.
Theo Dũng, HĐQT của Sadeco có 7 thành viên, trong đó 2 thành viên đại diện vốn góp của Thành ủy, 3 thành viên thuộc IPC gồm Dũng, Trần Đăng Linh (Phó TGĐ Công ty IPC, thành viên HĐQT Sadeco) và Hồ Thị Thanh Phúc (TGĐ Sadeco). “Quá trình đề ra chủ trương và thực hiện các hoạt động tại Sadeco, IPC luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy thành phố”, Dũng nói.
“Trong tất cả các hoạt động của Sadeco cũng như biên bản cuộc họp HĐQT, chúng tôi luôn ghi rõ nội dung chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thành ủy. Từ trước đến nay, chưa bao giờ chúng tôi làm điều gì trái với chỉ đạo của Thành ủy”, vẫn lời của Dũng.
Dũng cũng cho rằng, trong quá trình IPC xin ý kiến lãnh đạo TP và các cơ quan ban ngành đều “viện dẫn ý kiến chỉ đạo” của Phó Bí thư Tất Thành Cang.
Cuối cuộc thẩm vấn, Dũng một lần nữa cho rằng chỉ đạo của ông Cang “là nội dung quan trọng nhất trong vụ án”, quyết định việc phát hành CP cho Cty Nguyễn Kim.
Hậu quả vụ án đã được khắc phục
Tại phần tuyên án, với Tề Trí Dũng, HĐXX cho rằng Dũng là Chủ tịch HĐQT, trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp và ký nghị quyết thông qua việc chuyển nhượng 9 triệu CP của Sadeco cho Cty Nguyễn Kim. Dũng biết việc chuyển nhượng CP của Sadeco có vốn Nhà nước phải qua đấu giá, xác định theo giá thị trường, nhưng lại chỉ đạo cấp dưới sử dụng kết quả thẩm định giá của DN không có chức năng thẩm định, thông qua quyết định bán CP với giá 40 ngàn đồng/CP gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước.
Cũng với tư cách là Chủ tịch HĐQT, Dũng đã chỉ đạo Hồ Thị Thanh Phúc (TGĐ Sadeco) và cấp dưới tổ chức chi tiền của Sadeco cho nhiều cá nhân đi du lịch nước ngoài dưới danh nghĩa đi “tham quan, khảo sát” gây thất thoát hơn 2,1 tỷ đồng và tham ô 4,6 tỷ đồng từ quỹ thù lao khen thưởng của Cty mà không đưa về cho chủ sở hữu vốn Nhà nước.
“Bị cáo là người có vai trò cầm đầu, xuyên suốt thực hiện nhiều hành vi nên phải chịu hình phạt cao hơn đối với các bị cáo khác”, HĐXX nêu quan điểm, song cũng ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ cho Dũng như thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong công tác... Từ đó, toà tuyên phạt Dũng 11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí; 9 năm tù về tội Tham ô tài sản; tổng hợp hình phạt là 20 năm tù.
Đối với Hồ Thị Thanh Phúc (cựu TGĐ Sadeco), toà xác định, bị cáo là người có vai trò quan trọng sau Dũng, giúp sức tích cực cho Chủ tịch HĐQT trong tất cả các hành vi sai phạm.
Xem xét việc bị cáo đã thành khẩn khai báo, tòa tuyên phạt 9 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí; 7 năm tù về tội Tham ô tài sản; tổng hợp hình phạt 16 năm tù.
17 bị cáo khác với vai trò đồng phạm của Dũng, ông Cang bị tuyên phạt từ 2 năm tù treo đến 13 năm tù. Trong đó, nhiều người được tuyên trả tự do tại tòa do thời gian bị tạm giam bằng với mức án.
Về trách nhiệm dân sự, tòa cùng quan điểm với VKS, ghi nhận hậu quả vụ án đã được khắc phục do Cty Nguyễn Kim đã hoàn trả toàn bộ 9 triệu CP cùng tiền lãi phát sinh cho Sadeco; số tiền 4,6 tỷ Dũng và đồng phạm tham ô cũng đã nộp lại. Riêng 1,3 tỷ đồng chi đi du lịch sai quy định, toà tuyên Dũng và các bị cáo liên đới bồi thường.