Thể chế trong Kỷ nguyên mới

Ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan: Masan đang thực hiện chiến lược “Ra thế giới”

(PLVN) - Nhắc đến doanh nghiệp dân tộc ở Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng không thể không nói đến Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Khởi đầu từ việc kinh doanh những gói mì ăn liền, chai nước mắm, doanh nghiệp này đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành doanh nghiệp tỷ đô, sòng phẳng cạnh tranh thương mại với các đối thủ cùng ngành hàng lớn của thế giới, không chỉ thắng thế ở thị trường nội địa mà còn đang vươn mình mạnh mẽ ra thế giới.
Ông Trương Công Thắng - Tổng giám đốc Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan.
Ông Trương Công Thắng - Tổng giám đốc Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan.

Mục tiêu sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD

Ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan cho biết: “Masan đang thực hiện chiến lược “Ra thế giới” (Go Global), không chỉ dừng lại ở việc phục vụ 100 triệu người dân Việt Nam mà phấn đấu mỗi gia đình thế giới ít nhất sử dụng một sản phẩm của Masan”.

Cho đến nay, Masan đã gây dựng thành công 5 thương hiệu mạnh có doanh thu hàng năm từ 150 triệu USD - 200 triệu USD là Kokomi, Omachi, Chin-su, Nam Ngư và Wakeup 247. Mục tiêu chiến lược của Masan là sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD bằng việc cao cấp hoá sản phẩm, mở rộng phạm vi sản phẩm cho từng thương hiệu và mở rộng thị trường có thể tiếp cận 8 tỷ người trên thế giới.

Với chiến lược này, Masan đặt mục tiêu 10 - 20% doanh thu từ thị trường toàn cầu trong những năm tới, đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Các thương hiệu của Masan sẽ đại diện cho văn hóa ẩm thực Việt Nam trên toàn cầu”, Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan tự tin.

Con đường tương lai của Masan là phục vụ những nhu cầu lớn chưa được đáp ứng của người tiêu dùng. Masan đã đi từ góc bếp đến các sản phẩm trong tủ lạnh, các sản phẩm ở phòng khách, phòng tắm…

Tới đây, trụ cột thứ 5 của Masan có thể kể như trà, cà phê, nước lọc, lẩu tự sôi, snacks… “Masan còn nhiều việc phải làm, nhưng trọng tâm trong thời gian tới là chúng tôi tìm ra mô hình đi ra thị trường thế giới.

"Đó không chỉ đơn giản là bắt chước công ty nào hay tự nghĩ ra mô hình mà có 3, 4 mô hình khác nhau tại mỗi thị trường. Chúng tôi sẽ tận dụng kênh phân phối, thương mại điện tử, hội chợ… và điều chỉnh mô hình phù hợp với từng thị trường để đi vào hệ thống phân phối”, ông Thắng cho hay.

Không ngại cạnh tranh trên trường quốc tế

Thực tế, nhiều sản phẩm của Masan đang được thị trường quốc tế đón nhận. Điển hình là thương hiệu Chin-su. Đây là thương hiệu không chỉ quen thuộc trong những bữa cơm gia đình của người Việt mà còn trở thành thương hiệu sáng giá, góp phần định vị ẩm thực Việt trên bản đồ ẩm thực thế giới.

Masan là một Là một tập đoàn đa ngành với nhiều công ty khác nhau. (Ảnh: Masan)

Masan là một Là một tập đoàn đa ngành với nhiều công ty khác nhau. (Ảnh: Masan)

Sản phẩm Chin-su đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường lớn như Mỹ, Úc, Canada, châu Âu và Nhật Bản. Tháng 3/2024, tương ớt

Chin-su xuất sắc vượt qua hàng trăm thương hiệu tương ớt tên tuổi tại Hàn Quốc để đạt vị trí top 1 sản phẩm bán chạy trên sàn thương mại điện tử Coupang. Trước đó, sản phẩm “quốc dân” của Việt Nam cũng ghi danh vào “Top 8 Best Seller” trên sàn thương mại Amazon của Mỹ trong ngành hàng tương ớt.

Có thể nói rằng, nếu các doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt được đầu tư bài bản, có chiến lược lâu dài, xuất phát từ cái tâm và vì người tiêu dùng thì chúng ta không ngại cạnh tranh với bất cứ sản phẩm nào của các doanh nghiệp trên thế giới.

Sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

“Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam" năm 2024 cho biết, năm 2023, GDP cả nước ước tính tăng 5,05% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2021 - 2023.

Theo số liệu từ cơ sở quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến thời điểm 31/12/2023, cả nước có 921,372 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 2,8% so với cùng thời điểm năm 2022.

Theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ tập trung nhiều doanh nghiệp đang hoạt động nhất, có 628.036 doanh nghiệp, chiếm 68,2% số doanh nghiệp cả nước, tăng 3,5% so với năm 2022.

Theo địa phương, có 61/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2023 tăng so với thời điểm 31/12/2022, trong đó những địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp cao nhất cả nước là Lạng Sơn tăng 16,7%; Lào Cai tăng 11,1%; Bắc Ninh tăng 10,9%; Hà Giang tăng 10,6%; Bắc Giang tăng 10,2%; Thái Bình tăng 9,1%; Hưng Yên tăng 8,8%... Có 2/63 địa phương có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2023 giảm so với thời điểm 31/12/2022 là Sóc Trăng giảm (1,1%) và TP Hồ Chí Minh giảm (0,4%).

Các địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp nhất cả nước, gồm: TP Hồ Chí Minh có 273.071 doanh nghiệp, chiếm 29,6% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, giảm 0,4% so với năm 2022; Hà Nội có 192.197 doanh nghiệp, chiếm 20,9%, tăng 2,8%; Bình Dương có 43.274 doanh nghiệp, chiếm 4,79%, tăng 6,2%; Đồng Nai có 26.647 doanh nghiệp, chiếm 2,9%, tăng 3,1%; Đà Nẵng có 25.797 doanh nghiệp, chiếm 2,8%, tăng 1,5%; Hải Phòng có 21.037 doanh nghiệp, chiếm 2,3%, tăng 15%.

Năm 2023, bình quân cả nước có 9,2 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân. Có 7/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân cao hơn bình quân cả nước gồm: TP Hồ Chí Minh có 28,9 doanh nghiệp; Hà Nội có 22,4 doanh nghiệp; Đà Nẵng có 20,7 doanh nghiệp; Bình Dương có 15,3 doanh nghiệp; Bắc Ninh có 10,9 doanh nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu có 10,4 doanh nghiệp; Hải Phòng có 10,0 doanh nghiệp. Có 56/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân thấp hơn bình quân cả nước, trong đó những địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân thấp nhất cả nước gồm: Hà Giang có 1,6 doanh nghiệp; Sơn La có 1,7 doanh nghiệp; Điện Biên có 1,8 doanh nghiệp; Tuyên Quang, Cao Bằng và Bắc Kạn cùng có 2,3 doanh nghiệp; Sóc Trăng có 2,4 doanh nghiệp; Bạc Liêu có 2,5 doanh nghiệp.

Năm 2023, cả nước có 159.294 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,2% so với năm 2022; có 58.412 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,4%. Tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký trên phạm vi cả nước là 89.060 doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; có 18.038 doanh nghiệp giải thể giảm 3,1%. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với doanh nghiệp gia nhập thị trường chiếm 49,2%, tăng so với tỷ lệ năm 2022 (44,3%).

Có thể thấy, sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - chính trị - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề về việc làm cho người lao động, đóng góp nguồn thu đáng kể vào ngân sách nhà nước, là khu vực tiên phong cho việc phát triển theo các mô hình nền kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Đọc thêm