Ông Việt kiều già, thôn nữ đẹp và vụ kiện đòi "tình phí"

Một Việt kiều Úc dùng tiền dụ dỗ những cô gái có nhan sắc nhưng nhẹ dạ để thỏa mãn thú vui chinh phục. Khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” gã quất ngựa truy phong nhưng không quên khởi kiện ra tòa để lấy lại những gì mình đã bỏ ra trong “giao dịch trao đổi” tình- tiền.   

Một Việt kiều Úc dùng tiền dụ dỗ những cô gái có nhan sắc nhưng nhẹ dạ để thỏa mãn thú vui chinh phục. Khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” gã quất ngựa truy phong nhưng không quên khởi kiện ra tòa để lấy lại những gì mình đã bỏ ra trong “giao dịch trao đổi” tình- tiền.   

Cha mẹ đánh đổi tình tiền, con "gánh đủ"

Ông Đỗ Văn Bân (SN 1950), Quốc tịch Australia về đầu tư làm ăn tại Việt Nam. Trước khi về Việt Nam, ông Bân đã có vợ con tại Úc và Mỹ. Tuy nhiên, lấy “mác” Việt kiều, là chủ doanh nghiệp ông này lùng sục khắp các vùng sâu vùng xa của ĐBSCL tìm và ăn ở như vợ chồng với những cô gái nghèo mà nhẹ dạ, để rồi lúc chia tay ông khởi kiện đòi lại tài sản…

Cô Nguyễn Thị Diễm, thường trú tại Tân Thới, huyện Phong Điền, Tp Cần Thơ là một nạn nhân điển hình. Quen nhau, yêu nhau và hai người làm đám cưới không có hôn thú. Cô Diễm tưởng chừng như thuyền đỗ bến mộng nhưng thực tế quá phũ phàng khi hai người có con thì ông Bân chối không phải con của ông nên cháu bé có cha vô danh.

Sau khi có con, ông Bân cất một căn nhà trên đất của cha mẹ cô Diễm cho hai mẹ con ở. Bản thân ông thì đi về Rạch Giá và Cần Thơ để chăm sóc khách sạn của mình. Trong thời gian này, ông Bân dan díu với một nhân viên của khách sạn tên Út.

Có trăng quên đèn, ông Bân về thăm cô Diễm ngày càng thưa thớt. Nhưng mỗi lần về ông lại thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với cô Diễm. Thương con, cha mẹ cô Diễm bênh vực liền bị ông con rể hành hung. Cô Diễm đành khóa cửa nhà lánh nạn, ông này dẫn một đám giang hồ về đập phá nhà cửa và hăm dọa gia đình cô Diễm. Bức xúc, cô Diễm làm đơn nhờ chính quyền can thiệp. Nhưng không hiểu sao tất cả đơn từ gởi đến xã Tân Thới, Phong Điền, Thành phố Cần Thơ đều rơi vào im lặng?.

Ông Bân còn khởi kiện cô Diễm ra TAND huyện Phong Điền để đòi lại tài sản mà ông ta cho rằng của mình. Không hiểu sao tòa án huyện Phong Điền lại thụ lý vụ án có yếu tố người nước ngoài này? Càng lạ lùng hơn, bản án tuyên toàn bộ đất đai nhà cửa đều thuộc về ông Bân, kể cả diện tích đất cha mẹ cho cô Diễm?.

Tòa còn hướng dẫn ông Bân đến cơ quan chức năng để làm thủ tục đứng tên gần 10.000m2 đất nông nghiệp này. Không biết pháp luật Việt Nam cho người nước ngoài sở hữu đất nông nghiệp tự bao giờ mà tòa Phong Điền tuyên như vậy?.

Đặc biệt, tòa còn giao đứa con cho ông Bân nuôi. Trên mặt pháp luật ông Bân không phải là cha đứa bé vì ông không nhận và không làm giấy khai sinh cho con. Thực tế bản án đã đẩy đứa bé vào thế mất cha và mẹ. Sau khi đưa đứa bé đi, ông Bân không trực tiếp nuôi dưỡng mà giao cho cô Út, thường trú tại ấp Kênh 8, xã Đông Hòa, An Minh, Kiên Giang nuôi.

Câu chuyện giữa cô Út và ông Bân cũng khá ly kỳ. Cô Út này vốn là nhân viên lễ tân khách sạn của ông Bân. Trong thời gian có con với cô Diễm, ông Bân vẫn ăn ở như vợ chồng với cô Út ngay tại khách sạn.

Cô Diễm muốn giữ chồng nên về ở Rạch Giá sống với ông Bân. Sợ bị đánh ghen, cô Út dọn về nhà cha mẹ mình ở. Muốn vẹn cả đôi đường, ông Bân bỏ tiền xây cho cô Út ngôi nhà tại An Minh. Đồng thời ông Bân xuất tiền ra sắm trang thiết bị vật dụng trong nhà và trang bị một giàn đồ nghề cho cô Út hành nghề xăm mi, môi, mắt.

Vậy nhưng, lửa tình của đôi Bân - Út nhạt dần khi trong tiệm của Út xuất hiện cô học trò tên Tố 19 tuổi. Tháng 11/2011, ông Bân chia tay cô Út để về quê cô Tố tại huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang sống chung với nhau…

Diễm và con trai

Hành trình người mẹ đi tìm con

Ông Bân sống với ngần ấy cô gái nhưng lại không muốn có con với ai. Trường hợp cô Diễm là ngoài ý muốn nên ông không nhận đứa con này. 

TAND huyện Phong Điền tuyên giao toàn bộ tài sản và con cho ông Bân đã bị tòa phúc thẩm sửa lại một phần nhưng quyền nuôi con vẫn thuộc về ông Bân. “Chừng nào chứng minh được ông Bân không trực tiếp nuôi con thì quyền nuôi con thuộc về cô Diễm” - TAND Thành phố Cần Thơ tuyên?.

Mất con, cô Diễm nháo nhác đi tìm chứng cứ để đòi lại. Tháng 4/2011, cô Diễm biết con mình được ông Bân gởi cho cô Út nuôi. Từ Cần Thơ đến Miệt Thứ 7 gần 150 km, đến nơi cô Diễm mới biết con mình đã được đổi tên thành Nguyễn Đỗ Đức Tâm và đang học tại Trường mầm non xã Đông Hòa, An Biên, Kiên Giang.

Tháng 10/2011, cô Diễm quay lại Đông Hòa để thăm con nhưng không dám gặp vì sợ ông Bân hành hung. Tháng 11/2011, nghe tin ông Bân và cô Út chia tay, cô Út không còn nuôi con mình nữa, người mẹ này lại cất công đi tìm.

Đến nhà cô Út thì cô Diễm được gia đình này tiếp đón như một người thân, bởi con gái họ vừa bị ông Bân phụ tình. Họ cùng nhau giúp cô Diễm đi tìm bắt cháu bé về. Người mẹ này cùng với những người tình cũ của ông Bân lên xe đi 20 km nữa thì đến thị trấn Vĩnh Thuận.

Tại đây, những người tình của ông Bân chứng kiến cảnh ông Bân đang tập kết vật liệu xây nhà cho cô Tố. Còn cháu bé thì ông Bân đang gởi cho ai, người mẹ này vẫn chưa chứng minh được để làm bằng chứng nộp đơn khiếu nại giám đốc thẩm…

Khi ông Bân chia tay cô Út thì kịch bản cũ được ông lặp lại. Ông nộp đơn khởi kiện ra tòa địa phương để đòi lại những gì mà ông đã bỏ tiền ra mua trong thời gian lửa tình nồng cháy.

Ngày 6/12/2011, ông Bân quay trở lại nhà cô Út  phá cửa xông vào nhà để lấy những vật dụng gia đình đi xây tổ ấm mới. Công an địa phương xuất hiện nhưng kết quả giải quyết thì còn bỏ ngỏ. Xung quanh những vụ khởi kiện của ông Bân còn nhiều điều pháp lý thú vị. PLVN sẽ trở lại phản ánh đến bạn đọc sâu hơn khi tòa án An Minh thụ lý vụ án đòi “tình phí” của ông Việt kiều này.

Luật sư Lê Tuấn Khanh – Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ:

“Là Người Bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cô Diễm tại cấp tòa phúc thầm, chúng tôi thực sự bất ngờ trước phán quyết của cấp tòa khi công nhận gần 10.000m2 quyền sử dụng đất nông nghiệp cho Việt kiều Đỗ Văn Bân. Điều này là không phù hợp với tinh thần của “Luật sửa đổi bổ sung điều 126  Luật Nhà ở & Điều 121 Luật Đất Đai của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 số 34/2009/QH12 ngày 18/06/2009”: Người Việt nam định cư tại nước ngoài được cơ quan thẩm quyền cho cư trú 3 tháng trở lên thì được quyền sở hữu nhà ở và đất gắn liền với nhà ở. 

Tòa phúc thẩm cũng không xem xét kỹ chứng cứ do bà Diễm cung cấp về vấn đề ông Bân có bao nhiêu vợ, bao nhiêu người con, có trực tiếp nuôi con hay không?, dẫn đến phán quyết chưa thấu tình, đạt lý cho phép ông Việt Kiều Bân được quyền trực tiếp nuôi con. Chúng tôi đang xem xét tư vấn cho khách hàng về quyết định nên chọn việc khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm đối với cả 02 bản án sơ – phúc thẩm hay sẽ khởi kiện lại vụ kiện “Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” đối với ông Việt kiều này.

Ngọc Long

Đọc thêm