Thủa ban đầu
Paris Motor Show (tên tiếng Pháp là Mondial de l’Automobile) được Bá tước Albert de Dion, người đi đầu trong lĩnh vực ôtô tại Pháp, khai trương năm 1898. Sự kiện này diễn ra vào thời điểm mùa thu trong những năm chẵn tại trung tâm triển lãm Paris Expo Porte de Versailles.
Trải qua 2 cuộc chiến tranh thế giới cũng như những giai đoạn suy thoái của nền kinh tế, nhưng Paris Motor Show luôn thể hiện rõ bản chất năng động của ngành công nghiệp xe hơi. Kể từ khi ra đời, Paris Motor Show thường diễn ra hàng năm nhưng từ năm 1976, nó được tổ chức hai năm một lần. Tên gọi cũng thay đổi từ Salon de l’Auto cho tới năm 1986 sang Mondial de l’Automobile vào năm 1988 và được duy trì cho đến ngày nay.
Năm 1889, những chiếc xe không mã lực lần đầu tiên xuất hiện tại Universal Expo. Năm 1894, cuộc đua xe hơi Paris-Rouen đầu tiên được tổ chức và cũng kể từ thời điểm đó, phương tiện đi lại này đã nhanh chóng thổi bùng lên niềm cảm hứng cũng như sự háo hức trong cộng đồng.
Năm 1895, Automobile Club de France được thành lập với nhiệm vụ thúc đẩy thú chơi mô-tơ. Năm 1898, CLB này đứng ra tổ chức triển lãm quốc tế phương tiện đầu tiên và để chứng tỏ sự nghiêm túc, các thành viên của CLB đã tự lái xe từ Paris tới Versailles và quay lại với sự hiện diện của người giám sát.
Triển lãm lần đầu tiên này đã thu hút hơn 220 đơn vị tham gia, trên diện tích rộng 6.000m2. Năm 1901, triển lãm được chuyển đến địa điểm sẽ trở thành biểu tượng của Paris Motor Show trong suốt 60 năm đó là Grand Palais, cung điện lịch sử, nay là bảo tàng của Paris.
Từ thời hưng thịnh tới cuộc đại suy thoái
Giống như máy bay, xe hơi đã chứng tỏ sức hút khó cưỡng đối với cánh mày râu cũng như cả xã hội Paris thời bấy giờ. Thậm chí trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, nó có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế. Năm 1906, doanh số bán xe tại triển lãm đã đạt 129 triệu franc vàng, cao hơn nhiều so với mức 5 triệu franc năm 1898. Với sự phát triển như vũ bão, Grand Palais trở nên quá chật chội, vì vậy từ năm 1906, xe tải được trưng bày ở bên ngoài là công viên Cours-la-Reine.
Năm 1919, triển lãm đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất đã chứng kiến sự ra đời của trung tâm lái xe thử nghiệm đầu tiên nằm ngay cạnh cung điện Grand Palais. Tại sự kiện này, Citroen đã gây bất ngờ cho công chúng khi trưng bày 50 mẫu xe. Tuy nhiên, bất chấp sự thành công của triển lãm năm 1919 với 664 doanh nghiệp tham gia, nhưng Paris Motor Show 1920 lại không được tổ chức.
Năm 1921, thời hưng thịnh của triển lãm đã lên tới đỉnh điểm. Sự sang trọng là nét chủ đạo của sự kiện năm này với những bữa tiệc âm nhạc, ga-la hoành tráng. Năm 1927, việc tham quan gian hàng bị hạn chế và lần đầu tiên thu phí được áp dụng.
Trong những năm 30, do tác động của cuộc Đại suy thoái cũng như áp lực từ các nhà sản xuất nước ngoài, số lượng các đơn vị tham gia đã giảm đáng kể (526 năm 1938 so với 1.339 năm 1929), và khi cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 (1939-1945) nổ ra, Paris Motor Show phải gác lại cho đến khi hòa bình lặp lại.
Nở hoa vào tháng 10-1946
Tháng 10-1946, Paris Motor Show được tổ chức trở lại vẫn tại cung điện Grand Palais với niềm hân hoan của các nhà sản xuất cũng như công chúng. Trong 10 ngày diễn ra triển lãm đã có gần 810.000 khách tham quan.
Năm 1950, Paris Motor Show diễn ra tại cả trung tâm triển lãm Porte de Versailles (trưng bày xe đạp và xe đa dụng) và cung điện Grand Palais. Các kỷ lục về khách tham quan lần lượt bị phá, hàng loạt những đổi mới về công nghệ được giới thiệu và người tiêu dùng cuối cùng cũng có cảm hứng để sở hữu xe hơi.
Năm 1953, diện tích trưng bày của cung điện Grand Palais đã lên đến 80.000m2 và lần đầu tiên triển lãm mở cửa tới tối muộn với mức giá vé riêng. Trong những ngày diễn ra triển lãm, tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên diễn ra tại khu vực xung quanh cung điện Grand Palais.
Năm 1954, Paris Motor Show đã thu hút 1 triệu khách tham quan trên toàn thế giới. Sang năm 1955, triển lãm tiếp tục lập kỷ lục mới với 1.037 triệu khách. Những cải tiến công nghệ được giới thiệu ngày càng nhiều, đặc biệt là màn ra mắt của mẫu xe Citroen DS 19.
Năm 1957, Paris Motor Show lần đầu tiên chào đón một mẫu xe hơi đến từ Nhật Bản Prince Skyline (sau này thương hiệu này trở thành Nissan). Màn ra mắt của Prince Skyline cho thấy triển lãm ôtô Paris đã mang tầm quốc tế.
Những năm 1960, sau khi chuyển đến Porte de Versailles với diện tích trưng bày lên đến 100.000m2, Paris Motor Show luôn chứng kiến lượng khách tham quan đạt ngưỡng trên 1 triệu.
Thập niên 70 là thời kỳ khó khăn của ngành công nghiệp ôtô khi phải đối mặt với các vấn đề về an toàn, ô nhiễm và cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong suốt giai đoạn này, lượng khách tham quan thưa thớt, số đơn vị tham gia cũng giảm nghiêm trọng.
Kể từ năm 1976, do những khó khăn kinh tế nên Paris Motor Show chỉ còn diễn ra hai năm một lần. Năm 1988, Bernard Vernier-Palliez trở thành Chủ tịch Ủy ban triển lãm ôtô Paris và đổi tên nó thành Mondial de l’Automobile (còn gọi là Paris Motor Show)
Vai trò của Paris Motor Show ngày nay
Ngày nay, Paris Motor Show tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp xe hơi, đặc biệt ở khía cạnh an toàn, các hình thái năng lượng mới, và công nghệ thân thiện môi trường.
Bất chấp sự chuyển hướng của thị trường sang các quốc gia đang phát triển, Paris Motor Show vẫn là một trong những triển lãm xe hơi bậc nhất thế giới.
Năm 2008, gần 1,5 triệu khách tham quan, 13.000 phóng viên, nhà báo từ 100 quốc gia đến đưa tin, cùng 80 mẫu xe mới lần đầu ra mắt công chúng đã chứng tỏ Paris Motor Show thực sự là nơi người tiêu dùng có thể hiện thực hóa giấc mơ mua xe, là địa điểm trình diễn lý tưởng của các nhà sản xuất xe hơi trên khắp toàn cầu.