Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011):
Những điểm mới quan trọng
PGS, TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương
(Tiếp theo)
Ba là, về các phương hướng cơ bản
Cương lĩnh năm 1991 xác định, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, cần nắm vững bẩy phương hướng cơ bản. Nội dung của bẩy phương hướng có rất nhiều nội dung trùng lắp với những nội dung được đề cập ở mục III. Những định hướng lớn về chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Để khắc phục sự trùng lắp, Đại hội X đã viết rất khái quát. Kế thừa cách diễn đạt của Đại hội X, dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) viết: “Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, toàn Đảng, toàn dân ta cần nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí tự lực tự cường, phát huy mọi tiềm năng và trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quán triệt và thực hiện tốt các phương hướng cơ bản sau đây:
- Một là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức.
- Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Ba là, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia.
- Năm là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
- Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất.
- Bảy là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
- Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”.
Để thực hiện đúng các phương hướng cơ bản trên dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) còn bổ sung một đoạn nói về việc nắm vững và giải quyết các mối quan hệ lớn. Dự thảo viết: “Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản đó, phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết các mối quan hệ lớn như: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;… không phiến diện, cực đoan, duy ý chí.
5. Về định hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN
Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) viết: phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển…
Về vai trò, vị trí của các thành phần kinh tế , trong quá trình xây dựng dự thảo có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, không nên xác định thành phần kinh tế nào là chủ đạo, là nền tảng. Có ý kiến đề nghị chỉ cần nêu “kinh tế nhà nước là chủ đạo”. Tại Hội nghị Trung ương 12, trong Bản giải trình, Bộ Chính trị đề nghị: việc xác định vai trò, vị trí của kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là vấn đề rất hệ trọng, liên quan đến đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa, đã được thảo luận nhiều và được đa số tán thành. Cương lĩnh này là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; những định hướng lớn về thành phần kinh tế và vai trò của kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là lâu dài đến khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy cần khẳng định được vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vai trò nền tảng của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể.
6. Về định hướng phát triển quốc phòng, an ninh
Về mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Dự thảo viết : “Mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hoà bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”. So với Cương lĩnh năm 1991 , Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) đã xác định đầy đủ hơn, chính xác hơn mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Sự phát triển này đã được xác định ở văn kiện Đại hội IX, Nghị quyết Trung ương 8 khoá IX và Văn kiện Đại hội X.
Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) đã bổ sung thêm “lý luận, khoa học an ninh” thành “phát triển đường lối, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân và lý luận, khoa học an ninh”.
Cương lĩnh năm 1991 mới đề cập đến kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng – an ninh, quốc phòng – an ninh với kinh tế trong các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) xác định sự kết hợp này không chỉ trong các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội mà cả trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế – xã hội.
Cương lĩnh năm 1991 xác định “từng bước xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang, trong đó có công an nhân dân được trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại”. Dự thảo Cương lĩnh đã bổ sung, phát triển thành “Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang được trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại”.
Về phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, Cương lĩnh năm 1991 viết: “Xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân với số quân thích hợp theo hướng cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, tinh nhuệ”, “xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự là một lực lượng vũ trang chính quy, từng bước hiện đại, tinh nhuệ”. Viết như trên chưa thật chính xác và trùng lắp. Dự thảo viết: “Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu”.
Cương lĩnh năm 1991 mới viết: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và công an nhân dân”, Dự thảo viết: “Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng – an ninh”.
(Còn tiếp)