Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011):
Những điểm mới quan trọng
(Tiếp theo)
PGS, TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương
3. Về bối cảnh quốc tế
Bối cảnh quốc tế hiện nay và trong vài thập kỷ tới khác rất nhiều so với thời điểm Đảng ta ban hành Cương lĩnh năm 1991. Các đại hội Đảng gần đây, nhất là Đại hội X đã dự báo bối cảnh quốc tế. Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) kế thừa những nội dung còn giá trị trong Cương lĩnh năm 1991, những dự báo trong các văn kiện Đảng đã viết gọn hơn theo hướng không đi sâu vào những vấn đề thế giới không liên quan trực tiếp đến nước ta, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, như về nguyên nhân sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô (trước đây) và Đông Âu, cân nhắc đánh giá, nhận định đúng mức hơn về chủ nghĩa tư bản.
Điểm mới nhất trong dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) về bối cảnh quốc tế, là nhận định về đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại.
Căn cứ vào thực tiễn tình hình thế giới từ khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ đến nay, vào quá trình toàn cầu hóa, dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) viết : “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”.
4. Về mô hình, mục tiêu, phương hướng
Một là, về mô hình xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội:
- Do nhân dân lao động làm chủ.
- Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.
- Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.
- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.
- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”
Đến Đại hội X, Đảng ta bổ sung thêm 2 nội dung (thường gọi là “đặc trưng”) mới:
(1) Đưa mục tiêu được xác định ở Đại hội VIII và được bổ sung ở Đại hội IX “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thành đặc trưng tổng quát; (2) có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đại hội X còn bổ sung, phát triển ở một số đặc trưng.
(1) Bổ sung thêm hai “đặc trưng”: Đặc trưng bao trùm, tổng quát: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và ; “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Hai “đặc trưng” này Đại hội X đã bổ sung nhưng điểm mới so với Đại hội X là chuyển từ “dân chủ” lên trước từ “công bằng”, bởi cả về lý luận và thực tiễn đều khẳng định có dân chủ thì mới có công bằng, văn minh, đồng thời để nhấn mạnh bản chất của xã hội ta là xã hội dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
(2) Tiếp tục bổ sung, phát triển nội dung một số đặc trưng:
“Đặc trưng” về con người: Cương lĩnh năm 1991 xác định: Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Đại hội X bỏ từ “bóc lột” và thay cụm từ “có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân” bằng cụm từ “phát triển toàn diện”. Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) bỏ tiếp cụm từ “được giải phóng khỏi áp bức, bất công” và thêm cụm từ “có điều kiện” vào trước cụm từ “phát triển toàn diện” thành: “Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Xác định như thế là chính xác, vì đây là nói mục tiêu đã xây dựng xong chủ nghĩa xã hội.
Bổ sung, phát triển “đặc trưng” về dân tộc. Cương lĩnh năm 1991 xác định: Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Đại hội X thêm từ “tương trợ” sau từ “đoàn kết”. Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) thay từ “tương trợ” bằng từ “tôn trọng” và thay từ “tiến bộ” bằng từ “phát triển”. Vì vấn đề đặt ra là các dân tộc tron trọng nhau và không chỉ giúp nhau cùng tiến bộ mà giúp nhau cùng phát triển? Dự thảo viết như sau: Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.
(3) Kế thừa sự bổ sung, phát triển của Đại hội X đặc trưng về “Do nhân dân làm chủ”.
Hai là, về mục tiêu tổng quát, mục tiêu của chặng đường tới
Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta diễn ra trong thời gian rất dài, chưa thể xác định cụ thể mốc thời gian kết thúc, vì thế trong Cương lĩnh chỉ nêu mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ và mục tiêu đến khoảng giữa thế kỷ XXI.
Về mục tiêu tổng quát, dự thảo viết: “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng xong về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh”. So với Cương lĩnh năm 1991, có điều chỉnh một vài từ (bỏ cụm từ “phải đạt tới”, thêm cụm từ “ở nước ta”, dùng cụm từ “nền tảng kinh tế” thay cho “những cơ sở kinh tế”; thêm từ “ngày càng” vào trước từ “phồn vinh” thành “ngày càng phồn vinh”. Viết như vậy vừa thể hiện rõ quá trình phát triển, vừa có ý nghĩa động viên phấn đấu vì một xã hội tương lai tốt đẹp.
Về mục tiêu của chặng đường sắp tới, Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) chỉ nêu mục tiêu đến khoảng giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa (mục tiêu đến 2020 các Đại hội VIII, IX, X đã xác định và nhi trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020)…
(Còn tiếp)