Bỏ nhiều công sức để mai phục, nhưng cứ đến biên giới, các đối tượng buôn tiền giả lại mất hút như… “ma trêu”, các trinh sát công anh Quảng Nam đã “toát mồ hôi” mới tóm gọn đường đường dây buôn tiền giả mà kẻ cầm đầu núp bóng một nhân vật nguyên là thượng tá công an.
“Bà trùm” hết đánh ghen, chăn dắt gái rồi buôn bạc giả
Những năm 2002, trinh sát Công an các tỉnh miền Trung nhận thấy hai nữ “đại gia” Trần Thị Mỹ Hà (SN 1973) và Nguyễn Thị Kim Lan (SN 1974, cùng quê Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) thường xuyên “thăm viếng” những địa phương miền này. Chỉ cần xuống xe ở tỉnh thành nào, Hà và Lan đều được vài “người bạn” đưa xe “xịn” rước đón, đồng thời cũng để nhận những chiếc túi xách "no căng" tiền.
Ba đối tượng buôn bạc giả Liên, Hà, Lan. Ảnh Công an Quảng Nam cung cấp. |
Cuối năm 2003, như các lần “tham quan” khác, Hà hẹn gặp một “vị khách” vùng ven thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam). Cảnh sát quyết định kiểm tra hành chính. Trinh sát phát hiện Thu mang theo 300 triệu đồng tiền giả, phần lớn là loại mệnh giá 100.000 đồng. Cùng lúc một tổ công tác khác bắt giữ Kim Lan khi chị ta đang nghỉ tại một nhà trọ ở huyện Thăng Bình, thu giữ thêm 300 triệu đồng tiền giả.
Hà từng có nhiều năm lang bạt ngoài xã hội, thân gái nhưng toàn “nói chuyện” bằng dao kéo. Từ khi lấy chồng, Hà mang thêm biệt danh đặc biệt: Hà “xẻo”. Bắt nguồn từ chuyện cô ta đã cắt cả mảng tai, rạch mặt chằng chịt người tình của chồng ít năm về trước.
Sau nhiều lần vào tù ra tội, Hà gặp Lan trong trại, khi ấy đang thụ án tội buôn bán phụ nữ. Hai "nữ quái" nhanh chóng "bắt tay" để bắt những nữ phạm nhân khác “phục dịch”, đồng thời “cắt máu ăn thề” sẽ “hợp tác làm ăn” khi ra khỏi trại giam.
Ra tù, cả hai bàn bạc đi buôn bạc giả. Đường đây chúng tham gia được hình thành liên hoàn nhiều tỉnh khắp Việt Nam. Nhớ lại chuyện trước đây có người tình Trung Quốc tên Hoàng Tú Liên, Hà vượt biên, móc nối, đưa tiền giả về Việt Nam để tiêu thụ.
Thủ đoạn của chúng được xác định như sau: Hai đối tượng giả làm lái buôn đường dài, vượt biên ra nước ngoài, nhận tiền giả từ Liên, sau đó đưa về Việt Nam bán cho nhiều đối tượng với giá 50/100 (cứ 50.000 đồng tiền thật mua được 100.000 đồng tiền giả).
Để tránh sự phát hiện của công an, chúng khoét đế các đôi dép tông, cho tiền giả vào bên trong, dán lại như cũ rồi giấu trong các thùng hàng. Hai đối tượng đã vận chuyển trót lọt nhiều chuyến tiền giả, ghi giá hàng tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong trại giam. Cả hai không hề "hé răng" về đối tượng “đầu sỏ” bên kia biên giới đã cung cấp tiền giả.
Thượng úy công an “bắt tay” nhóm tội phạm
Đi sâu điều tra, các trinh sát mới xác định được đối tượng cung cấp tiền giả người nước ngoài là Hoàng Tú Liên (SN 1960, thị xã Bằng Tường, Trung Quốc; đăng ký tạm trú tại Tp. HCM). Sở dĩ đối tượng này khó bị đưa ra ánh sáng pháp luật bởi nguyên thượng uý Nguyễn Việt Hà (Công an quận Gò Vấp, Tp.HCM), đã cố tình bao che, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Cảnh sát tạm thời chưa có động thái gì mà bí mật theo dõi, “ghi sổ” vi phạm, chờ cơ hội “hốt trọn ổ”.
Sau khi tình nhân bị bắt, đối tượng người nước ngoài chuyển vào “hoạt động bí mật”, hạn chế tiếp xúc, hoàn toàn “mất sóng”. Phải hơn một năm sau đó, Liên đột ngột xuất hiện lại Việt Nam, vừa để tiếp tục móc nối khách mua tiền giả, vừa hỏi thăm “người tình”, khi ấy đang bị giam tại trại giam Bình Điền (Huế).
Những ngày đầu năm 2004, hàng chục trinh sát Công an tỉnh Quảng Nam lại chia làm nhiều mũi, tiếp tục “khăn gói” vào Nam. Nguồn tin báo về nghi phạm đang tạm trú trong một nhà trọ tại quận Gò Vấp. Bí mật nhờ chủ nhà trọ cho xem xét các giấy tờ tùy thân, cảnh sát khẳng định đây chính là Hoàng Tú Liên, đối tượng chuyên cung cấp tiền giả. Trinh sát ập vào bắt giữ.
Hoàng Tú Liên từng có một tiền án tại Việt Nam vào tháng 1/1996 khi phạm tội buôn bán người, bị TAND tỉnh Cà Mau kết án 3 năm tù giam. Thụ án được một thời gian, Liên bị trục xuất về nước. Trước khi đi, người đàn ông này cũng kịp “có vợ Việt Nam” chính là Hà.
Thực tế, Liên đã có vợ tại Trung Quốc, nhưng vì mục đích “về lâu về dài” nên Liên “gắn bó” với Hà chờ ngày “gầy dựng lại cơ nghiệp”. Liên khai, chính Hà chủ động gạ gẫm Liên “bắt tay” buôn tiền giả.
Biết tội danh của mình có nguy cơ tử hình, đối tượng người nước ngoài tuyệt nhiên không khai thêm bất kỳ điều gì, bất kỳ ai hắn từng cung cấp tiền giả.
Siêu lợi nhuận
Trước khi bắt Liên, cảnh sát nhiều lần theo chân đối tượng để truy nguồn tiền giả, nhưng cứ đến biên giới là mất dấu “chịu chết”.
Nguồn tiền giả trên chủ yếu được các tổ chức tội phạm “xuất xưởng” từ Hong Kong, Đài Loan và một số tỉnh miền núi Trung Quốc. Ngoài tiền đồng, những ổ tội phạm này còn in USD, NDT… giả tinh vi đến mức “qua mặt” được cả các loại máy soi thông thường.
Nếu mua “tận gốc”, tiền giả được mua với giá 15/100 (15.000 tiền thật mua được 100.000 tiền giả). Như vậy, khi mang về Việt Nam bán lại, chúng thu lãi gấp hơn 3 lần.
Tại liên tiếp hai phiên sơ thẩm, bất ngờ Hà phản cung, phủ nhận người đứng ở vành móng ngựa kia tên Liên. Trong khi đó Lan khẳng định người này đúng là Hoàng Tú Liên.
Đối tượng người nước ngoài cũng không nhận mình đã cung cấp tiền giả cho hai nữ bị cáo. Trước thái độ bất hợp tác của các bị cáo, chủ tọa phiên tòa đã ngay lập tức tạm dừng phiên tòa, tách các đối tượng đối chất lời khai.
Qua điều tra cũng như chứng cứ có được, thẩm phán Nguyễn Hữu Do, Chánh Toà Hình sự TAND tỉnh Quảng Nam, chủ toạ phiên toà lúc đó, khẳng định: Trong đường dây tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả này, số tiền giả lên đến 1,435 tỉ đồng.
Có 17 bị cáo đưa ra trước vành móng ngựa. Hai đối tượng bị tuyên án tử hình là Hoàng Tú Liên, Trần Thị Mỹ Hà. Mức án chung thân dành cho Nguyễn Thị Kim Lan và Trương Văn Khánh (SN 1970, trú tại Ninh Phước, Ninh Thuận). Các bị can còn lại phần lớn đều lãnh mức án trên 10 năm tù giam. Ngoài ra, còn có Cao Thị Thuý Hồng (quê TP HCM) bị tuyên phạt 2 năm tù cho hưởng án treo vì tội che giấu tội phạm.
Đặc biệt, nguyên thượng uý Nguyễn Việt Hà (Công an quận Gò Vấp, Tp.HCM) cũng bị tuyên phạt 4 năm tù giam vì tội cố tình làm sai lệch thông tin vụ án.
Theo Xa lộ pháp luật