Phát hiện sự việc ở Lâm Đồng
Vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả" là phân bón xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Châu RHINO, đặt trụ sở tại Đồng Nai (sau đây gọi tắt là Cty Châu RHINO) là một trong những vụ án được khởi tố khá nhanh (trong vòng 4 tháng), sau khi cơ quan cảnh sát điều tra nhận được hồ sơ vụ việc từ lực lượng quản lý thị trường (QLTT). Cơ quan điều tra cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các đối tượng liên quan về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" là phân bón quy định tại khoản 2 Điều 195 Bộ luật Hình sự 2015.
Quá trình điều tra xác định, 3 đối tượng đã cùng nhau góp vốn vào Công ty Châu RHINO, thuê đất làm xưởng sản xuất phân bón giả bán ra thị trường kiếm lời. Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đang tập trung điều tra mở rộng vụ án, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan.
Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, đây là một vụ án thể hiện thành công dấu ấn ngành dọc của lực lượng QLTT khi trong cùng một ngày, ngay sau khi phát hiện sự việc ở Lâm Đồng thì chỉ sau vài tiếng, một mũi kiểm tra khác của Đồng Nai cũng vào cuộc. Ngoài ra, đây cũng là vụ án thể hiện sự phối hợp thành công của các cơ quan liên ngành.
Vụ án bắt đầu từ ngày 2/10/2020 tại Lâm Đồng khi Đội QLTT số 2 (Cục QLTT Lâm Đồng) phối hợp với Cục Nghiệp vụ QLTT, Cục Cảnh sát kinh tế, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Đức Trọng tiến hành kiểm tra Cửa hàng vật tư nông nghiệp Anh Thư do ông Trần Thành Lương (thôn 6, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) làm chủ.
Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện 40 tấn phân bón trung lượng XNK 111 HLS Supper Lân Canxi do chi nhánh Công ty Châu RHINO (272/81 tổ 9A, khu phố 4, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) sản xuất có dấu hiệu vi phạm kinh doanh phân bón khi không xuất trình được quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Đội QLTT số 2 đã tiến hành các thủ tục để tạm giữ toàn bộ số lô hàng trên, đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm thành phần chất lượng.
Kết thúc hồ sơ vụ án ở Đồng Nai
Chiều cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, lực lượng chức năng do cơ quan QLTT chủ trì tiếp tục kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và phát hiện tiếp 13 tấn phân bón trung lượng XNK 111 HLS Supper lân canxi cũng do Công ty Châu RHINO sản xuất có dấu hiệu vi phạm tương tự như cửa hàng tại Lâm Đồng. Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Đồng Nai) tiếp tục lấy mẫu để kiểm nghiệm, đồng thời làm thủ tục tạm giữ toàn bộ số phân bón trên đưa về kho bảo quản.
Trước các dấu hiệu vi phạm khá rõ ràng, bằng biện pháp nghiệp vụ, ngay cuối giờ chiều ngày 2/10, Đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cục Nghiệp vụ QLTT, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) bất ngờ ập đến kiểm tra xưởng sản xuất phân bón tại địa chỉ 30A9/10, khu phố 11, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thuộc chi nhánh Công ty Châu RHINO.
Thời điểm lực lượng chức năng ập đến xưởng sản xuất, hàng trăm m3 nguyên liệu, bột màu, đá vẫn ngổn ngang tại xưởng. Các máy móc, thiết bị cùng các loại xe nâng, ủi, xúc, băng chuyền… đều đầy đủ và sẵn sàng cho việc sản xuất. Kiểm đếm thực tế, Đoàn kiểm tra ghi nhận 8,5 tấn thành phẩm phân bón trung lượng XNK 111 HLS Supper Lân Canxi; 28,5 tấn phân bón hữu cơ trùn quế; khoảng 5 tấn phân hạt đen chưa đóng bao bì; 25m3 nguyên liệu, bột màu dùng để sản xuất phân, 100m3 đá nguyên liệu và 31.700 vỏ bao bì phân bón các loại; phương tiện sản xuất gồm: 1 máy xúc, 1 xe nâng, 1 băng chuyền, 1 máy nghiền, 1 bồn chứa nguyên liệu, 1 bồn quay ly tâm và 1 máy may miệng bao.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Trọng Dần – Giám đốc Công ty Châu Rhino chỉ xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép đóng gói phân bón. Còn lại, các loại giấy tờ khác như giấy phép sản xuất phân bón, quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và các hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa đều không xuất trình được. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ lô hàng để kiểm nghiệm, tiếp tục điều tra, làm rõ.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, 61,5 tấn phân bón các loại được Cục QLTT Đồng Nai và Cục QLTT Lâm Đồng kiểm tra và tạm giữ đã không đạt chỉ tiêu chất lượng, là hàng giả, không có giá trị sử dụng. Ngay sau khi nhận được kết quả, Cục QLTT Đồng Nai đã hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc, chuyển sang C03 để xem xét các hành vi: Sản xuất phân bón không có giấy phép sản xuất, sản xuất phân bón không có quyết định lưu hành phân bón tại Việt Nam và sản xuất phân bón giả ở Công ty này.