Tại Hội nghị, đa số các đại biểu đồng tình với nội dung tại Báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc. Tuy nhiên, công tác đối với vùng DTTS, miền núi vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, điển hình là nhu cầu sinh kế bức thiết, vấn đề cốt lõi để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS triển khai còn chậm và chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, các chương trình, chính sách, dự án đầu tư cho vùng DTTS, miền núi hiện nay có nhiều nội dung chồng chéo, thiếu tập trung, nhiều đầu mối quản lý, dẫn đến phân tán nguồn lực, khó khăn trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Một số chính sách không phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng dân tộc; chưa gắn kết phát triển kinh tế với giải quyết những vấn đề xã hội, nhu cầu cấp bách… Đây là những tồn tại bất cập đã được chỉ ra, nhưng chậm được giải quyết.
Theo chương trình hoạt động năm 2017, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã giám sát chuyên đề “Việc thực hiện phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao”. Việc phân định này là cơ sở để ban hành chính sách quy định trong các Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Tổ chức chính quyền địa phương...; giúp thực hiện tốt hơn các chính sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo…
Nhưng, sau một thời gian áp dụng, cách phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao và phân định vùng DTTS, miền núi theo trình độ phát triển đã bộc lộ một số bất cập và áp dụng không thống nhất. Các tiêu chí chính để xác định miền núi, vùng cao mới chỉ căn cứ yếu tố độ cao so với mặt nước biển và tiêu chí số đơn vị hành chính để xác định là là tỉnh, huyện, xã là vùng cao. Một số tiêu chí, yếu tố đặc thù về địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, khí hậu có tác động thường xuyên tới sản xuất và đời sống của cư dân chưa được thể hiện.
Ngoài ra, trong các tiêu chí phân định cấp xã, thôn bản vùng DTTS, miền núi thành 3 khu vực, tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là quan trọng số một, có ý nghĩa quyết định. Tuy nhiên, trên thực tế căn cứ này lại luôn có sự biến động hàng năm, trong khi tính ổn định của bộ tiêu chí phân định là 5 năm, dẫn đến một số bất cập trong thực hiện chính sách đầu tư và thụ hưởng chính sách xã hội của rất nhiều đối tượng liên quan; đó là chưa kể đến sự thiếu bình đẳng về đầu tư và chính sách an sinh xã hội.
Từ thực tiễn trên, nhiều đại biểu đề xuất cần có sự thống nhất về tiêu chí phân định vùng DTTS, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, việc phân bổ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cần tập trung theo hướng dựa vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các vùng DTTS, vùng cao. Các đại biểu kiến nghị các bộ, ngành tham mưu Chính phủ rà soát thấu đáo đối với các chính sách không còn phù hợp, cũng như tiêu chí phân bổ ngân sách, tránh việc phân bổ ngân sách không hợp lý; bảo đảm quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, trong đó, ưu tiên các địa bàn miền núi vùng cao, vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo…