Phải biết “chớp” thời cơ để thi hành án

(PLO) - Hôm qua (11/12), UBND thành phố (TP) Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008 trên địa bàn TP. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh khẳng định nhiều quy định của Luật đã đi vào cuộc sống, tạo được hành lang pháp lý đảm bảo công tác THADS có hiệu quả, tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
4 năm thi hành hơn 5,67 nghìn tỷ đồng
Báo cáo tổng kết thi hành Luật THADS năm 2008 trên địa bàn TP cho thấy, mặc dù số việc, số tiền và tài sản phải thi hành ngày càng cao nhưng kết quả thi hành án trên địa bàn TP vẫn tăng, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2009 thi hành xong tăng 5% về việc và 1% về tiền so với năm 2008. Năm 2010 thi hành xong tăng 3% về việc và 8% về tiền so với năm 2009. 
Năm 2011 thi hành xong tăng 1% về việc và 1% về tiền. Năm 2012, 2013 thi hành xong về việc, về tiền đều đạt và vượt chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao. Qua hơn 4 năm triển khai Luật THADS, cơ quan THADS các cấp đã thi hành xong được hơn 129,6 nghìn việc có điều kiện thi hành với số tiền, giá trị tài sản bằng tiền trên 5,67 nghìn tỷ đồng.
Cũng sau 4 năm thi hành Luật, theo nhận định của Cục trưởng Cục THADS TP.Hà Nội Lê Quang Tiến, một thành công đáng ghi nhận khác là vị thế cơ quan thi hành án trong hệ thống cơ quan nhà nước được nâng lên rõ rệt. Đối với Hà Nội, tổ chức bộ máy các cơ quan THADS trên địa bàn ngày càng được củng cố, kiện toàn ổn định và phát triển. Đến nay, Cục THADS TP và 29 đơn vị cấp huyện có hơn 500 cán bộ, công chức, trong đó có 221 Chấp hành viên.
Ghi nhận các đánh giá này, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng, nhiều quy định của Luật đã đi vào cuộc sống, tạo được hành lang pháp lý bảo đảm cho công tác THADS tại Hà Nội đạt hiệu quả. Ông Khanh nhận định các kết quả nêu trên là những minh chứng về sự ổn định và phát triển của công tác THADS, qua đó đóng góp một phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự của Thủ đô.
Chăm lo hơn nữa công tác phối hợp
Tuy nhiên, ý kiến phát biểu của các ngành cũng cho biết, thực tiễn thực thi hoạt động THADS còn có sự cắt khúc, tách rời giữa hoạt động xét xử với hoạt động THADS, đòi hỏi được tháo gỡ từ thể chế. Bên cạnh đó, một tồn tại, vướng mắc lớn là công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan trong công tác THADS còn bất cập, có lúc, có nơi chưa tốt, cần tiếp tục chấn chỉnh.
Vì vậy, ông Nguyễn Trọng Thanh (Công an TP.Hà Nội) đề nghị Cục THADS TP và Công an TP cần có cơ chế phối hợp trong công tác giải quyết các vụ việc cưỡng chế THADS; các Sở, ban ngành và chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác cưỡng chế THADS. 
Ông Thanh cũng mong muốn Cục THADS TP có sự phối hợp tốt hơn với TANDTC, VKSNDTC và các cơ quan liên quan khi có kháng nghị, kháng cáo để có văn bản trả lời kịp thời, rõ ràng, thấu tình, đạt lý những đơn thư khiếu nại của các bên đương sự, tránh gây bức xúc, gây tình trạng phức tạp, tồn đọng kéo dài.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh chỉ đạo các cơ quan chức năng chăm lo hơn nữa công tác phối hợp như một bảm đảo cho công tác THADS phát triển và có tính bền vững vì “nếu không phối hợp tốt, nhất là với chính quyền địa phương, thì không thể thực hiện Luật cho tốt được”. 
Theo đó, ông Khanh đề nghị cơ quan THADS hết sức chủ động, còn các ngành liên quan cần nâng cao nhận thức “để cùng nhau phối hợp tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, mới có đủ lực lượng thực hiện nhiệm vụ được giao”.
Tham dự Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng  Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy biểu dương Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên triển khai hội nghị tổng kết thi hành Luật, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật THADS. Ông Thủy cũng lưu ý TP .Hà Nội một số vấn đề quan trọng để nghiên cứu đề xuất với Ban soạn thảo Dự án Luật THADS sửa đổi, bổ sung như thực hiện chủ trương xã hội hóa (Hà Nội là 1 trong 13 địa phương triển khai chế định Thừa phát lại); tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác THADS…

Đọc thêm