Phải cách ly vì nghi nhiễm Covid-19 mà không tự nguyện chấp hành - xử lý thế nào?

(PLVN) -  Người thuộc đối tượng cách ly vì nghi nhiễm covid-19 mà không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị xử lý thế nào? Nhà nước có quyền cưỡng chế những đối tượng này hay không? Tư vấn của Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
 Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Pháp luật nước ta có quy định về việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế cũng như các chế tài xử lý với hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm này, thậm chí là xử lý hình sự.

Trước những diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh, ngày 29/01/2020, Bộ Y Tế đã đưa ra Quyết định số 219 về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng ra Quyết định về việc Công bố dịch bệnh trên, đánh giá dịch bệnh này thuộc Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu, cần phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có tổ chức cách ly y tế, kiểm soát ra vào vùng có dịch.

Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007: “Bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh".

Về nguyên tắc tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tất cả những người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.

Đồng thời, tại cùng có dịch, cần phải kiểm soát bằng cách: hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế; cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch; thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch;…

Theo Nghị định 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/09/2010, không chỉ có các đối tượng như ở trên mà đối với cả những người xuất phát hoặc đi qua vùng có bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B đều phải áp dụng biện pháp cách ly y tế. Và những người không chấp hành, tuân thủ yêu cầu cách ly sẽ bị cưỡng chế cách ly. Quy định này áp dụng cho cả người nước ngoài tại Việt Nam.

Các hành vi như trốn khỏi nơi cách ly, vùng dịch có thể cho là làm hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. 

Căn cứ vào Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Ngoài phạt tiền, các đối tượng này còn bị buộc tiếp tục thực hiện cách ly y tế hoặc cưỡng chế cách ly y tế.

Nếu như còn tiếp tục có hành vi như vậy, hoặc người mắc bệnh truyền nhiễm Covid-19 mà cố ý lây lan bệnh truyền nhiễm cho người khác, trốn đi khỏi nơi cách ly làm lây lan bệnh truyền nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” với mức phạt tù tới 07 năm, phạt tiền tới 200.000.000 đồng.

Với tình hình lây lan nguy hiểm, khó nhận biết của virus Corona chủng mới, trong việc phòng chống dịch bệnh này cần phải có sự phối hợp thực hiện toàn dân, và vì thế ý thức phòng chống dịch của người dân là vô cùng quan trọng. Nếu như người dân không có ý thức phòng dịch thì mọi biện pháp, cố gắng kiểm soát dịch bệnh của các cơ quan chức năng và của toàn xã hội cũng không thể phát huy được hiệu quả.

Các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm để tạo ra tính răn đe hơn; tăng cường các biện pháp quản lý, cách ly y tế, kiểm soát vùng dịch để kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm có thể xảy ra. Ngoài ra cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự nguy hiểm, tình trạng thực tế về dịch bệnh và các quy định pháp luật có liên quan để người dân cùng năm bắt và chấp hành.

Mỗi người dân cũng phải nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng dịch cần thiết, đây là cách tốt nhất để bảo vệ người thân, gia đình, xã hội và cho chính bản thân mình.

Đọc thêm