Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường hôm qua làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận về triển khai công tác tư pháp năm 2013 và một số vấn đề pháp chế trên địa bàn tỉnh.
|
Tư pháp đề nghị tăng cường cán bộ
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận - cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai công tác tư pháp năm 2013, Sở Tư pháp đã bám sát 10 nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2013.
Theo đó, Sở Tư pháp tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp 1992 và Luật Đất đai (sửa đổi), tổ chức công tác tổng kết Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật, kiểm tra theo dõi công tác thi hành pháp luật, chủ yếu là vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và công tác quản lý nhà nước về công chứng, luật sư… Nhìn chung các nhiệm vụ trọng tâm trên được Sở Tư pháp thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, ngành Tư pháp Ninh Thuận hiện cũng còn nhiều khó khăn như kinh phí cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật còn thấp, Sở chỉ được phân bổ 160 triệu đồng/năm, không đủ để triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm, Bên cạnh đó, biên chế pháp chế Sở, ngành hiện đang thiếu trầm trọng, trong đó biên chế cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp chưa được bổ sung và biên chế cán bộ cho công tác bồi thường nhà nước hiện chưa có.
Về công tác thi hành án dân sự (THADS), bà Nguyễn Thị Cúc - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự THADS tỉnh Ninh Thuận - cho biết: Toàn tỉnh hiện có 34 Chấp hành viên, chiếm 39,5% trên tổng biên chế hiện có. Tính từ 1/10/2012 đến cuối tháng 3/2013, Ninh Thuận có 2.892 vụ việc phải thi hành, tăng 14 việc so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 2.101 việc có điều kiện thi hành. Đến nay, đã thi hành xong 908 việc/2.101 việc, đạt 43,2% với tổng số tiền phải thu ước khoảng gần 90 tỷ đồng.
Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2013, công tác THADS trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực nhưng kết quả đạt được vẫn còn thấp do số lượng vụ việc phải thi hành án ngày càng có chiều hướng tăng, khó khăn, phức tạp, trong khi ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn kém, luôn tìm mọi cách để trốn tránh, trì hoãn, kéo dài. Về phía Chấp hành viên cũng chưa thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật, chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm nên kết quả đạt được chưa cao.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật về THADS hiện nay còn nhiều bất cập, chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn nên khi áp dụng thường gặp khó khăn, lúng túng… Mặt khác, Ninh Thuận là một tỉnh nghèo, tài sản phải thi hành án rất khó bán, nhiều tài sản đã nhiều lần giảm giá cũng không có người mua dẫn đến số việc có điều kiện thi hành cao nhưng kết quả thi hành đạt thấp.
Về công tác tư pháp xã, phường, Sở Tư pháp đề nghị cần tăng cường biên chế cán bộ cho phường xã, đặc biệt là cán bộ hộ tịch.
Có nhiều chuyển biến
Ông Lê Tiến Châu – Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM - đồng tình với báo cáo của Sở Tư pháp và Cục THADS. Đánh giá về ưu điểm, ông Châu cho biết liên quan đến nội bộ thì việc đáng hoan nghênh là đội ngũ lãnh đạo Sở đã được kiện toàn. Sở đã triển khai công tác góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 và công tác trợ giúp pháp lý rất tốt so với yêu cầu.
Ông Châu cũng chia sẻ những khó khăn của địa phương về công tác cán bộ xã phường, đặc biệt là cán bộ hộ tịch. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật còn chậm. Cụ thể có nhiều luật có hiệu lực ngay từ đầu năm nhưng đến giờ mới triển khai hoặc có kế hoạch đến tháng 5 mới triển khai.
Kết thúc buổi làm việc, đánh giá về những kết quả trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường rất vui mừng trước những chuyển biến tích cực về công tác tư pháp và THADS tỉnh Ninh Thuận. Bộ trưởng nhìn nhận so với những năm trước thì công tác tư pháp tỉnh có nhiều chuyển biến lớn.
Bộ trưởng cũng chia sẻ những khó khăn của Ninh Thuận về cơ sở vật chất, về công tác cán bộ cũng như những khó khăn của cơ quan THADS trong việc triển khai nhiệm vụ của ngành. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình, đồng thời cố gắng nâng cao chất lượng cán bộ, đặc biệt là Hộ tịch viên, lưu ý hơn đến án hành chính và công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh - tiếp thu sâu sắc những hạn chế mà Bộ trưởng vừa nêu, đồng thời xác định lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận luôn xem công tác tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương và là nội dung rất quan trọng.
Tuy nhiên, khó khăn của Ninh Thuận là thiếu triền miên cán bộ ở tất cả các ngành chứ không chỉ riêng Tư pháp. Ông Thanh hứa sắp tới đây, trong điều kiện của tỉnh sẽ sắp xếp lại biên chế và kinh phí cho hợp lý, chấn chỉnh thiếu sót mà Bộ trưởng đề ra.
Buổi chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đến thăm địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Hà Phương Thảo