Phải làm gì khi bị người khác lừa mất tiền?

(PLO) -Tôi cho Lan (Bạn học cùng cấp 3) vay 10 triệu đồng với lí do chữa bệnh cho mẹ. Tuy nhiên sau khi đưa tiền cho Lan thì tôi không liên lạc được hay có bất kỳ thông tin gì của bạn ấy nữa. Tôi có lên gia đình Lan hỏi nhưng bố mẹ nói không biết bạn ý ở đâu và cũng không có sự việc bác gái bị ốm như đã kể trên. Tôi biết mình đã bị lừa nhưng bây giờ không tìm được bạn ý để đòi lại tiền. Vậy tôi cần làm những gì để đòi lại số tiền trên? (Trần Thị M, tranthimien....@gmail.com) 

Trả lời

Theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

...”

Với thông tin, bạn đưa ra cho thấy bạn của bạn đã có hành vi đưa ra thông tin gian dối (vay tiền để chữa bệnh cho mẹ nhưng sự thật là không phải như thế) nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản (để bạn giao tiền cho họ) thì hành vi này đã cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật hình sự.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (hay là để bạn có thể đòi lại số tiền trên) trong trường hợp này bạn có thể làm đơn hoặc tố giác trực tiếp về hành vi này với cơ quan có thẩm quyền.

Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tin tố giác gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc bất cứ cơ quan, tổ chức nào. Tuy nhiên để bảo vệ quyền và lợi ích của mình một cách nhanh nhất thì bạn có thể đến trực tiếp Cơ quan công an cấp huyện để tố giác hành vi này. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ lập biên bản, sau khi lập biên bản sẽ tiến hành xác minh và giải quyết theo quy định của pháp luật./.

Đọc thêm