5 DN đa cấp bị rút giấy phép trong 1 tuần
Chỉ chưa đầy một tuần qua, có tới 5 DN đa cấp bị rút giấy phép do chưa đủ điều kiện, giấy phép hết hiệu lực hoặc tự xin phá sản... Và đến nay, số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy có khoảng 40 công ty đa cấp bị rút giấy phép hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về giấy phép theo quy định.
Ngày 4/3, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty TNHH Thương mại Tiến Thịnh Phát có trụ sở chính ở 284A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 8, Quận 3, TPHCM.
Ngày 6/3, Cục tiếp tục thông báo về việc chấm dứt hoạt đông bán hàng đa cấp của 2 công ty gồm: Công ty TNHH My Fortuna và Công ty cổ phần Queenet Quốc tế. Nguyên nhân lần lượt là do thay đổi phương thức kinh doanh và DN hoạt động không hiệu quả, không thu được lợi nhuận. Hai công ty này đều có trụ sở tại Hà Nội.
Mới nhất, ngày 7/3, Công ty cổ phần Nhượng quyền thương mại quốc tế G10 (có trụ sở chính và địa điểm hoạt động bán hàng đa cấp tại số 4, ngõ 86/16 phố Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Công ty TNHH MTV Gano Excel Việt Nam (trụ sở chính tại lầu 3, tòa nhà Lữ Gia Plaza, 70 Lữ Gia, Phường 15, Quận 11, TPHCM) tiếp tục được Bộ Công Thương thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp có nhiều biến tướng, ảnh hưởng đến người dân tham gia mạng lưới. Trong các vi phạm phổ biến có hoạt động lợi dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính. Thậm chí nhiều DN chưa được cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp nhưng vẫn lén lút hoạt động để huy động người tham gia thu lợi bất chính.
Nghị định 42 sẽ ‘siết’ đa cấp
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, bán hàng đa cấp hiện đang biến tướng khó lường, khó quản lý, song không phải vì thế mà loại bỏ, bởi đây là một loại hình kinh doanh hiện đại, không thể phủ nhận trong tổng thể hoạt động thương mại của một quốc gia đang phát triển, hội nhập sâu rộng như nước ta.
Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh cần tính toán phương án hạn chế cấp phép mới cho các DN bán hàng đa cấp trong bối cảnh đang sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42/2014/NĐ-CP cũng như khung khổ pháp lý quản lý bán hàng đa cấp.
Liên quan đến yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp, dự thảo Nghị định bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa thông tin của DN bán hàng đa cấp với 7 điều khoản chi tiết.
Chẳng hạn, yêu cầu DN xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối để nhà phân phối có thể truy cập và truy xuất các thông tin liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của họ. Máy chủ quản lý phải được đặt tại Việt Nam và cung cấp quyền truy cập tài khoản quản lý khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
DN cũng cần phải xuất hóa đơn bán hàng cho từng nhà phân phối, khách hàng. Yêu cầu này để bảo đảm quyền lợi của nhà phân phối, khách hàng trong trường hợp có yêu cầu DN mua lại hàng, trả lại tiền.
Việc thanh toán hoa hồng, tiền thưởng cần phải thực hiện thông qua chuyển khoản cũng là một điểm mới trong dự thảo Nghị định này.
Một điểm đáng chú ý khác là DN bán hàng đa cấp sẽ không được tổ chức các hoạt động trung gian thương mại phục vụ mạng lưới bán hàng đa cấp.
Thực tế hoạt động bán hàng đa cấp thời gian qua cho thấy một số DN bán hàng đa cấp đã sử dụng các hình thức trung gian thương mại (đại diện, môi giới, ủy thác, đại lý) để phát triển và mở rộng mạng lưới của mình. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp với người tham gia bán hàng đa cấp, một số DN đã đùn đẩy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trung gian này.
Vì lẽ đó, theo ông Tân, với các vụ việc như vậy, các cơ quan quản lý không thể quy trách nhiệm cho DN bán hàng đa cấp, mà chỉ có thể xử lý các tổ chức, cá nhân trung gian, làm giảm hiệu quả thực thi của pháp luật.
Lãnh đạo Vụ Pháp chế cho biết, dự thảo sửa đổi Nghị định 42 hiện đang được Bộ Công Thương gấp rút hoàn thiện và sẽ trình lên Chính phủ trong tháng 3/2017.