Vừa qua, một nữ khách hàng sử dụng dịch vụ UberX ở Hà Nội đã đăng tải lên trang Facebook cá nhân của mình câu chuyện về sự trả thù của tài xế UberX sau khi bị khách hàng đánh giá ở mức thấp nhất. Hậu quả là sau đó vị khách hàng này liên tục nhận được những cuộc gọi, tin nhắn “mua dâm” từ những số điện thoại lạ.
Trường hợp nếu tài xế Uber thực sự đã phát tán thông tin, số điện thoại của khách hàng lên mạng và nói khách hàng là gái gọi thì theo Nghị định 174/2013 NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thoại, tài xế có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 121 tội làm nhục người khác hoặc Điều 122 tội vu khống theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.
Ngoài ra, người bị hại còn có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu người, tổ chức vi phạm phải bồi thường các thiệt hại phát sinh và chấm dứt hành vi vi phạm theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành. Cụ thể, tại Điều 25 Bộ luật Dân sự quy định: Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền: Tự mình cải chính; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai. Đồng thời, yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại...
Về phía Uber, theo Điều 618 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra, hãng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.