Phải sửa luật để khắc phục tình trạng mua bán đất trái phép

Chiều qua, nghe và cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, quan trọng là phải tìm ra cho được các giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho đồng bào.

Chiều qua, nghe và cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, quan trọng là phải tìm ra cho được các giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho đồng bào.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều đồng bào thiếu đất sản xuất

Báo cáo giảm sát cho thấy: Từ năm 2002 đến nay, chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có bước tiến vượt bậc, 333.995 hộ đồng bào DTTS nghèo đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhờ đó bà con phấn khởi, tích cực sản xuất, nhiều hộ đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh đó chính sách về đất đai cho đồng bào DTTS vẫn còn một số bất cập.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’so Phước. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là do quỹ đất hạn hẹp, dân số tăng và di dân tự do. Theo báo cáo của các địa phương, số hộ DTTS nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất diễn biến liên tục tăng qua các giai đoạn; từ năm 2002 đến năm 2011, có 558.485 hộ đồng bào DTTS nghèo cần được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Ngoài ra, còn một số lượng không nhỏ hộ đồng bào DTTS bị thu hồi đất ở, đất sản xuất tại các dự án quy hoạch, các công trình thủy lợi, thủy điện, hạ tầng, giao thông …

Trong nhiều giải pháp được Đoàn giám sát kiến nghị với Quốc hội có vấn đề sửa đổi Luật Đất đai. Theo Đoàn Giám sát, nhằm khắc phục tình trạng mua bán trái phép đất (đất ở, đất nông nghiệp) và lợi dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đề nghị sửa đổi, bổ sung vào Luật Đất đai các quy định nghiêm cấm việc đầu cơ, mua bán, bao chiếm đất đai trong vùng DTTS, vùng biên giới. Hằng năm, ưu tiên nguồn lực, bố tri đủ kinh phí cho các chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia,các dự án đầu tư tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Cần rõ hơn các giải pháp

Trong số hơn 300 nghìn hộ không có đất ở, đất sản xuất hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị xác định, thống kê rõ số hộ “tái” không có đất và số hộ mới phát sinh để các cấp có cơ sở đánh giá, tìm nguyên nhân và hướng giải quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình với các giải pháp của Đoàn Giám sát nhưng  đề xuất: phải quy hoạch, phân bố lại đất đai, đất nào giao ổn định rồi tiếp tục giao. Riêng đất của nông lâm trường hiện nhiều nơi đang để hoang hóa, quản lý chưa tốt thì thu hồi giao cho dân. Bên cạnh đó, theo ông Hiển, cần tăng cường nguồn lực đầu tư, tăng cường hỗ trợ để phục hóa đất. “Đất đai tự nó không nở ra được, không trông vào đất thì phải chuyển hướng, tại công ăn việc làm để xóa nghèo bền vững”, ông Hiển nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng phải quy hoạch lại việc sử dụng đất ở các nông lâm trường thì sẽ giải quyết được vấn đề vì hiện quỹ đất này rất lớn. Chủ tịch cũng lưu ý, với những bà con DTTS vùng khó khăn (như vùng núi đá, cao nguyên) đất sản xuất không thêm được thì cần phải có cách giải quyết riêng, như quy hoạch lại dân cư, tạo công ăn việc làm, xuất khẩu lao động…”Phải đề ra những mục tiêu và các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu đó”, Chủ tịch lưu ý.

Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tới đây.

Bình An

Đọc thêm