[links()]Nếu với những quy định hiện hành, chắc chắn, việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) sẽ vẫn gặp nhiều vướng mắc. Do đó, vấn đề bức thiết đặt ra là sớm phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật để “thông” những điểm tắc nghẽn này.
|
Việc thu hồi nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn |
Cấp thiết có thông tư hướng dẫn trước khi cải cách toàn diện
Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về xử lý TSBĐ. Song, trong khuôn khổ “chật hẹp” của một văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định, các nội dung quy định tại Thông tư này chưa thể đáp ứng hết kỳ vọng của thực tiễn xử lý TSBĐ do sự ràng buộc và hạn chế về nội dung pháp lý bởi các quy định tại Bộ luật Dân sự 2005, Luật Đất đai 2003 và các Nghị định hướng dẫn thi hành.
Do đó, giải pháp lâu dài là nghiên cứu, sửa đổi các quy định tại Bộ luật Dân sự 2005, Luật Đất đai 2003 và các văn bản pháp luật có liên quan về xử lý TSBĐ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ có bảo đảm trong sự hài hòa lợi ích của các bên khác có quyền và lợi ích liên quan.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐHQG TP.HCM) thì “toàn bộ chế độ pháp lý hiện hành về bảo đảm nghĩa vụ có những khuyết tật kỹ thuật cơ bản, nếu được đánh giá theo các tiêu chí được thiết lập trong các hệ thống pháp luật tiền tiến. Chính do những khuyết tật đó mà việc triển khai chế độ này trong thực tiễn gặp khó khăn, dù đã có đến hai nghị định hướng dẫn. Việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm nghĩa vụ, bởi vậy, đòi hỏi những nỗ lực cải cách sâu rộng ngay từ gốc, từ Bộ luật Dân sự.
Tuy nhiên, việc sửa đổi BLDS không thể được thực hiện trong ngày một ngày hai. Trong hoàn cảnh bức bách giữa một khung pháp lý bất cập, chủ nợ và cả người mắc nợ vẫn cần phải biết mình có quyền và có nghĩa vụ làm gì để giải quyết đến nơi đến chốn câu chuyện đòi nợ gai góc. Việc ban hành một thông tư, nhằm chỉ rõ những việc phải làm và được phép làm nhằm đạt mục tiêu đó, là điều cần thiết trước mắt”.
Cần tăng quyền cho tổ chức tín dụng
Hiện pháp luật đang tạo điều kiện cho bên thế chấp chây ì, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trong khi bên nhận bảo đảm bị “trói tay”, không thể tự mình xử lý TSBĐ. Cho phép bên nhận bảo đảm thực thi ngay các quyền xác lập trên TSBĐ phát sinh từ thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm đã ký kết, sẽ bên bảo đảm có khả năng tự mình xử lý khối TSBĐ và thu hồi lợi ích của mình trong thời gian nhanh nhất với thứ tự ưu tiên thanh toán cao nhất trong trường hợp đã đăng ký quyền phát sinh từ việc nhận TSBĐ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đó là xu thế chung của các nước trên thế giới mà Việt Nam không thể “lờ” đi khi đã hội nhập.
Những rủi ro pháp lý, cản trở quyền của bên nhận bảo đảm cũng sẽ được hạn chế nếu hệ thống pháp luật liên quan đến giao dịch bảo đảm được bổ sung một số quy định nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn như: những quy định bảo vệ quyền kiểm soát tài sản thế chấp do bên thế chấp hoặc người thứ ba đầu tư hay bổ sung quy định về xác định tư cách thành viên hộ gia đình, thống nhất tên gọi và nội dung của việc người sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác của Luật Đất đai 2003 và Bộ luật Dân sự 2005, cơ chế cơ quan thi hành án tham gia vào quá trình thu giữ TSBĐ trong giai đoạn tiền tố tụng...
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn nhằm rút ngắn thời gian giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình xử lý TSBĐ, giảm chi phí xử lý TSBĐ, đồng thời giảm thiểu nguy cơ rủi ro thanh khoản do nợ xấu tăng cao. Qua thực tiễn cho thấy, bên nhận bảo đảm không chỉ quan tâm đến kết quả xử lý TSBĐ mà còn quan tâm đến thời điểm thu hồi được vốn vay khi xử lý TSBĐ. Hiện nay, “có 56 nước áp dụng quy trình tố tụng giản lược này, nhờ đó thời gian để tiến hành xử lý tài sản thế chấp ở những nước này ít hơn 50% so với những nước dùng các biện pháp xét xử khác”.
Và quy định chính xác, toàn diện thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các chủ thể có quyền, lợi ích liên quan đến TSBĐ, góp phần đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các bên khi tham gia giao dịch bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự; xây dựng cơ chế thi hành án dân sự hiệu quả, đảm bảo thực thi kết quả xử lý TSBĐ trong thời gian sớm nhất với chi phí thấp nhất, từ đó tạo cơ sở cho bên nhận bảo đảm được thực hiện ngay các quyền hợp pháp của đối với TSBĐ như: quyền thu hồi tài sản, quyền nhận chính TSBĐ, quyền bán TSBĐ…
H.Q.H – N.Q.H.T