Phạm luật vì vô tâm với cha mẹ, dửng dưng với con

Trong cuộc sống, sinh hoạt gia đình có nhiều việc làm, hành động mà người trong cuộc cứ ngỡ rằng đó là chuyện bình thường, thậm chí hết sức riêng tư, ngay người ngoài cũng không có quyền can thiệp nói gì đến luật pháp. Ấy vậy mà việc làm đó lại phạm luật trong những tình huống không ngờ… 

Trong cuộc sống, sinh hoạt gia đình có nhiều việc làm, hành động mà người trong cuộc cứ ngỡ rằng đó là chuyện bình thường, thậm chí hết sức riêng tư, ngay người ngoài cũng không có quyền can thiệp nói gì đến luật pháp. Ấy vậy mà việc làm đó lại phạm luật trong những tình huống không ngờ… 

Minh họa
Minh họa
Hận chồng, con ốm mẹ không đưa đi viện
Khi người chị ruột nhờ cậy đến chính quyền địa phương buộc em gái mình là Phạm Thị Mỵ (ở Bến Tre) mở cửa thì đứa cháu 4 tuổi nằm trên giường đã bắt đầu lên co giật trong cơn sốt cao. Mặc cho chị gái lấy tấm chăn quấn vào bế con mình đưa đi viện, chị Mỵ vẫn thản nhiên đứng nhìn. Nhiều người chứng kiến cảnh đó lắc đầu, “hổ dữ còn không ăn thịt con, vậy mà…” -  họ chép miệng thương cảm cháu bé có bà mẹ vô tâm. 
Thời con gái, chị Mỵ yêu một người con trai xã bên, mối tình thắm thiết đã tưởng đi đến đám cưới thì đánh đùng một cái, người yêu chị Mỵ lên tỉnh lấy vợ theo sự mai mối của gia đình, để lại chị Mỵ hụt hẫng, đau khổ với cái thai hơn 2 tháng trong bụng. Biết con gái đã trót mang bầu, cha mẹ ép con kết hôn với con trai người bạn vốn cũng đã ngấp nghé đánh tiếng hỏi cưới từ lâu, nhưng vì không yêu nên chị Mỵ luôn lẩn tránh. 
Bị lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan nên chị Mỵ đành tặc lưỡi cưới chồng theo sự sắp xếp của mẹ cha. Nhưng cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc với người vợ lúc nào cũng thờ ơ, sầu thảm khiến người chồng chị Mỵ chán nản, bỏ tuốt đi làm ăn xa.
Đứa con gái sinh ra thiếu tháng ốm đau quặt quẹo suốt, nhưng vì mỗi lần nhìn cái mặt “giống thằng cha nó phụ bạc thấy ghét” mà chị Mỵ thường xuyên bỏ mặc con mình không chăm sóc. Chị gái chị Mỵ vì xót cháu mà phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền mới đưa được cháu mình đi viện cấp cứu là đỉnh điểm.
Việc làm của chị Mỵ không hiếm gặp trong những tình huống người mẹ bị phụ bạc nên trút hết sự “căm thù” người cha lên con cái. Tuy nhiên, gần như không có ai biết rằng, những suy nghĩ và cách hành xử cảm tính tưởng như rất riêng tư, cá nhân đó lại phạm luật. 
Điều 34 Luật HN&GĐ đã quy định rằng cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con.
Như vậy, nếu cha mẹ không tuân thủ và có nhưng hành vi đi ngược với đạo lý, pháp luật trong việc chăm sóc nuôi dưỡng con cái thì việc làm đó không những vi phạm Luật HN&GĐ mà đó còn chính là một trong những hành vi bạo lực gia đình (Điều 2, Luật PCBLGĐ). Mặt khác, theo quy định tại Điều 27, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004 về trách nhiệm bảo vệ sức khỏe trẻ em thì cha mẹ có trách nhiệm thực hiện những quy định về kiểm tra sức khỏe, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em.   
Nếu đối chiếu với việc làm của chị Mỵ, có thể thấy chị Mỵ đã không thực hiện những quy định về kiểm tra sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh cho con mình, tức là không thực hiện trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của con. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. 
Con một đàn, nhưng thuê người chăm cha mẹ
Bước vào văn phòng luật sư là một người đàn ông giàu có, lịch lãm, nhưng câu hỏi của ông đã khiến những người có mặt trong văn phòng luật hôm đó ngỡ ngàng. 
Ông Trần Văn Tư ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM tìm đến văn phòng luật để hỏi về việc phụng dưỡng cha mẹ, ông cho biết, cha mẹ ông sinh được 10 người con. Một tay cha mẹ chịu bao cực khổ nuôi anh chị em ông khôn lớn, nhưng giờ đây khi đã trưởng thành, mười anh chị em lại đi khắp nơi để lập nghiệp, không ai ở chung với cha mẹ.
Cha mẹ đều đã sang tuổi 80 cả rồi nay đau mai ốm, người anh cả mời cha mẹ lên thành phố ở với mình thì cha mẹ không chịu vì còn bàn thờ hương khói tổ tiên, mà anh chị em ông thì cũng không thể bỏ con cái, nhà cửa, công việc để về ở dài ngày với cha mẹ. Để tìm cách giải quyết, mười anh chị em đã tổ chức họp gia đình bàn về việc chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.
Cuối cùng, họ đã chọn giải pháp là thuê một người họ xa ở quê đến ở lâu dài nuôi và chăm sóc cha mẹ, các anh chị em sẽ góp tiền và thỉnh thoảng về thăm nom. “Người bạn tôi khi biết được ý định này có góp ý là phải hỏi luật sư, vì không chừng làm vậy phạm luật. Vậy, cho tôi hỏi, anh chị em chúng tôi thuê người chăm cha mẹ như vậy có vi phạm pháp luật không?” – ông Tư thắc mắc. 
Tuy rằng không nói thẳng thừng như ông Tư là thuê người chăm cha mẹ, nhưng tình huống gia đình đông con mà cha mẹ vẫn lủi thủi một mình là khá phổ biến trong xã hội hiện nay, nhất là khi số đông thanh niên có xu hướng trụ lại ở thành phố, để lại cha mẹ ở quê nhà.
Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu tàn tật; trong trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ - đó là quy định của Luật HN&GĐ. Và, để cụ thể nội dung này, Nghị định 70/2001/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đã chỉ rõ, trong gia đình có nhiều con thì các con thỏa thuận về người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ và thỏa thuận đó phải được sự đồng ý của cha mẹ. Nếu như các con không thỏa thuận được với nhau về người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ thì có quyền làm đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết, tòa án sẽ xét xử, chỉ định cụ thể người nuôi dưỡng chăm sóc cha mẹ. 
Như vậy, việc mười anh chị em nhà ông Tư có ý định thuê người ngoài chăm sóc cha mẹ của mình trong khi bản thân họ đều có điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng là trái với quy định của pháp luật, không những thế điều này còn đi ngược lại với đạo lý dân tộc. 

Dương Nhi

Đọc thêm