Phạm Văn Lương sống đẹp, sống có ích

Tiếp khách trong gian  phòng nhỏ bên ấm trà nóng, Phạm Văn Lương ngồi thừ người hướng mắt về nơi xa xăm, rồi chậm rãi kể câu chuyện cứu người bị nạn gần 4 tháng trước.
Lương chăm sóc nạn nhân trong bệnh viện

Tiếp khách trong gian  phòng nhỏ bên ấm trà nóng, Phạm Văn Lương ngồi thừ người hướng mắt về nơi xa xăm, rồi chậm rãi kể câu chuyện cứu người bị nạn gần 4 tháng trước. Có một thứ, theo anh, gần như định mệnh, kéo anh gắn bó với một người hoàn toàn xa lạ. Giờ, khi chưa tìm được người thân để linh hồn người đã khuất có chỗ đi về, Lương lại lặn lội theo con đường đã chọn…

 

Hành động đầy lòng nhân ái

 

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo khó của huyện Vĩnh Bảo, Lương trải qua tuổi thơ đầy khó khăn, vất vả. Điều đáng tiếc nhất đối với anh là do gia đình khó khăn, anh phải nghỉ học khi học hết THCS năm 1999, lận đận nhiều nghề mưu sinh.

 

Sáng 20-12-2009, Lương lên Thạch Thất viếng đám ma và trở về bằng xe buýt. Đến khoảng hơn 4 giờ cùng ngày, Lương qua đường Phạm Hùng (đoạn gần bến xe Mỹ Đình) để nhờ bạn chở xe máy sang bến xe Gia Lâm về quê, gặp người yêu  từ Nam Định sang  bàn việc cưới xin. Lúc băng qua đường, Lương thấy vụ tai nạn. Có một thanh niên nằm trong vũng máu. Rất nhiều người đứng xem, nhưng không ai giúp đỡ vì nghĩ nạn nhân đã chết. Lương bấm vào nhân trung của nạn nhân thấy vẫn còn thở, liền gọi ta-xi bế nạn nhân lên xe đưa đến bệnh viện 19-8. Khi đó, đi với Lương có một thanh niên khác (sau này Lương mới biết đó chính là người gây tai nạn).

 

Sau khi chụp X.quang cho nạn nhân, người thanh niên này giúi vào tay Lương 1 triệu đồng nói nộp tiền nhập viện rồi bỏ đi lúc nào không hay. Lúc này, Lương chỉ còn hơn 200.000 đồng, trong túi nạn nhân chỉ có hơn 50.000 đồng và không có giấy tờ tùy thân. Chi phí chụp chiếu, thuốc cấp cứu cho nạn nhân ban đầu hết hơn 1 triệu đồng

 

Khi người bệnh được đưa vào khoa hồi sức- cấp cứu, các bác sĩ và người thân người bệnh chung quanh biết chuyện, quyên góp tiền giúp Lương mua thuốc cho nạn nhân. Bệnh viện 19-8 quyết định không thu viện phí trường hợp đó. Điều cảm động nhất, cứ đến bữa cơm, các bác sĩ, y tá trong bệnh viện thay nhau mua cơm cho Lương và tạo điều kiện thuận lợi cho chàng trai trẻ giàu lòng nhân ái có đủ sức khỏe và yên tâm chăm sóc người bệnh.

 

Tiền ai giúp và chi khoản gì, Lương đều cẩn thận ghi chép. Lương cho biết, làm như vậy để khi gặp người nhà nạn nhân sẽ trao lại.  anh không muốn bị điều tiếng lợi dụng để  tư lợi.

 

Đến ngày 23-12-2009, công an huyện Từ Liêm điều tra làm rõ người gây ra vụ tai nạn là Bùi Văn Tại, 17 tuổi ở An Phú, Mỹ Đức (Hà Nội). Ban đầu, chính Tại cùng Lương đưa người bị nạn vào bệnh viện 19-8 cấp cứu, sau khi dúi vào tay Lương số tiền 1 triệu đồng, Tại bỏ về. Qua điều tra, công an huyện Từ Liêm khẳng định, Lương không  liên quan đến vụ tai nạn.

 

Lương ở lại bệnh viện chăm sóc nạn nhân trong khi công việc bỏ bê, ảnh cưới không chụp. Trong thời gian này, Lương gần như thức cả đêm để chăm sóc nạn nhân. 6 ngày sau nạn nhân mất. Đầu tiên, Lương đề xuất phương án đưa nạn nhân về quê nhà ở Vĩnh Bảo chôn cất. Nhưng rồi để thuận tiện, nạn nhân được chôn tại nghĩa trang Văn Điển. Số tiền mọi người ủng hộ  còn lại gần 2 triệu đồng.  Lương dùng lo các thủ tục ma chay. Suốt từ đầu gia đình cùng vợ chưa cưới của Lương luôn ủng hộ hành động đầy lòng nhân ái của anh. Nhớ nhất khi nạn nhân mất, Lương gọi điện về nhà báo tin trong nước mắt, cả gia đình cũng khóc theo.

 

Làm thủ tục ma chay cho nạn nhân xong, Lương cùng gia đình về Hải Phòng. Điều anh băn khoăn nhất, chưa tìm được người thân của nạn nhân, nghĩa là linh hồn vẫn chưa có chỗ đi về…

 

Hành trình chưa có hồi kết

 

Ngày 16-1-2010, Lương cưới vợ. Chỉ 2 ngày sau đám cưới, Lương lên nghĩa trang Văn Điển làm bia, trồng cỏ và đánh số mộ cho nạn nhân. Từ đó đến nay, cứ khi đêm thấy nóng ruột, sáng sau anh lại lên Hà Nội thăm mộ nạn nhân. Chỉ khi thắp nén hương lên mộ, Lương mới thấy nhẹ nhõm trong lòng.

 

Cũng từ đó đến nay, Lương luôn đau đáu tìm người nhà cho nạn nhân. Ngày 5-1-2010, anh cùng người cô vào Nam Định tìm người nhà của nạn nhân. Lương tìm đến nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng nhờ giúp đỡ, nhưng thật đáng tiếc, cô Hằng lại ở trong miền Nam . Hai cô cháu mất cả ngày đi hỏi dò trong vùng nhưng không ra manh muối gì. Không tìm được người nhà nạn nhân, Lương cùng cô lên đường về Hải Phòng. Khi đi qua cầu Tân Đệ, chiếc túi xách chứa tiền bạc và điện thoại của hai cô cháu bị giật mất.

 

Hiện Lương thuê nhà để kinh doanh nhà nghỉ, nhưng thỉnh thoảng, anh lại lên Hà Nội thăm mộ nạn nhân.

 

Lương tâm sự, giờ đang cố gắng đăng tin tìm người nhà nạn nhân trên truyền hình và trực tiếp tìm kiếm. Có thể mất nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm và mất  nhiều tiền, nhưng chắc chắn Lương không bỏ cuộc. Chỉ khi nào linh hồn người mà anh coi như cậu em trai xấu số  ấy có nơi đi về, Lương mới có thể nhẹ nhõm trong lòng.

 

Phạm Văn Lương cho biết, hành động cứu giúp người bị nạn là hành động bình thường của bất kỳ ai nếu có lòng nhân ái. Hiện Lương mong nhận được sự giúp đỡ để tìm người thân của nạn nhân.

Nạn nhân cao 1m72, người gầy, sống mũi thẳng, dái tai trung bình,  mặc áo sơ mi kẻ vàng đen, áo khoác vải bò màu đen, quần bò màu xanh. Ai là người nhà hoặc biết thông tin về nạn nhân, liên hệ đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội- Công an huyện Từ Liêm, TP Hà Nội - điện thoại: 043.8373022, hoặc điện thoại trực tiếp cho Lương theo số: 0978663005.

 

Ghi  nhận hành động và tấm lòng nhân ái của anh, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam trao tặng bằng khen “Thanh niên sống đẹp, sống có ích” cho Phạm Văn Lương. Mong rằng, ngày càng có nhiều hơn nữa những tấm lòng nhân ái như vậy trong xã hội.

 

Hạnh Quyên

Đọc thêm