Ba loại chỉ tiêu sử dụng đất được địa phương quan tâm nhất
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ba loại chỉ tiêu sử dụng đất nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương là đất khu công nghiệp, đất giao thông, đất đô thị.
Tính đến năm 2025, Quốc hội quyết định cả nước có 152,84 nghìn ha đất khu công nghiệp (tính cả khu công nghiệp hiện hữu). Các địa phương đề xuất tăng hơn 49,5ha so với chỉ tiêu được phê duyệt. Đáng chú ý, một số tỉnh có tỷ lệ thực hiện, lấp đầy khu công nghiệp rất thấp, không thuộc vùng trọng điểm phát triển công nghiệp nhưng vẫn đề xuất bổ sung tăng thêm.
Bộ TN&MT đã xây dựng phương án bổ sung đất khu công nghiệp cho các tỉnh thuộc vùng động lực phát triển và vành đai công nghiệp có nhu cầu cấp bách, đã thu hút được nhà đầu tư, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đáp ứng được các điều kiện phát triển khu công nghiệp.
Đối với các tỉnh không điều chỉnh hoặc điều chỉnh giảm thì chỉ tiêu đất công nghiệp công lại vẫn bảo đảm thực hiện các khu công nghiệp đang đề xuất chủ trương đầu tư và thu hút đầu tư.
Đối với chỉ tiêu đất giao thông, Bộ TN&MT cho biết, qua tổng hợp, rà soát, đánh giá so với kết quả thực hiện, kế hoạch đầu tư công trung hạn cho thấy chỉ có một số địa phương có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ hoặc bổ sung các công trình dự án trọng điểm giao thông quốc gia…
Tại Hội nghị, các địa phương tiếp tục cho ý kiến vào phương án đề xuất của Bộ TN&MT tại Tờ trình số 99/TTr-BTNMT ngày 15/12/2023 về việc điều chỉnh phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 theo Quyết định 326.
Đại diện UBND tỉnh Hà Nam, Đắk Nông, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế… đề nghị làm rõ đề xuất điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp, khu công nghệ cao, đất giao thông… để triển khai các công trình, dự án trọng điểm quốc gia cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Điều chỉnh trên quan điểm “đặt lợi ích quốc gia lên trên hết”
|
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. (Ảnh: VGP). |
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, nguyên tắc điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất của các địa phương bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương phù hợp với thực tiễn, vì mục tiêu phát triển chung của quốc gia.
“Việc điều chỉnh chỉ tiêu đã phân bổ đến năm 2025 là tạm thời để bố trí thực hiện các công trình, dự án cấp bách của một số địa phương; đồng thời vẫn bảo đảm nhu cầu để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến năm 2025”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân chia sẻ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nguồn lực đất đai hết sức quan trọng, là không gian, điều kiện đầu tiên quyết định cho sự phát triển. Tuy nhiên, nguồn lực này hữu hạn nên cần dựa trên các tiêu chí, phương pháp khoa học để cân đối, giúp cho quá trình phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo Phó Thủ tướng, việc xây dựng phương án phân bổ và điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đai thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, cơ sở pháp lý, thực tiễn, khoa học… Do vậy, cần tiếp tục điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất để theo kịp yêu cầu phát triển, trên quan điểm “đặt lợi ích quốc gia lên trên hết”, không được phép dựa trên lợi ích cục bộ của vùng hoặc địa phương.
Trong đó, ưu tiên những dự án trọng điểm, hạ tầng quốc gia giải quyết mối quan hệ liên kết liên tỉnh, liên vùng, kết nối các khu kinh tế, du lịch; dự án lớn có tính chất lan tỏa, theo định hướng lớn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển đất nước, dựa trên các quyết định có thẩm quyền cao hơn và những chỉ tiêu cứng về diện tích rừng, di sản văn hóa; những địa phương có lợi thế thu hút đầu tư, sử dụng nguồn đất đai hiệu quả hiện nay…
Các chỉ tiêu đất khu công nghiệp, đô thị… phải điều chỉnh trên cơ sở hiện trạng, dự báo, đánh giá tiềm năng, có tiêu chí khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, tiếp cận linh hoạt theo yêu cầu thị trường.
“Việc điều chỉnh chỉ tiêu đất đai không làm mất đi nguồn lực, tài nguyên đất đai của các địa phương mà chỉ tạo điều kiện cho những nơi có cơ hội phát triển trước. Chính phủ sẽ lắng nghe các địa phương khi xuất hiện tiềm năng mới hoặc phát triển không như dự báo, kỳ vọng để tiếp tục điều chỉnh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý Bộ TN&MT củng cố cơ sở pháp lý đối với quỹ đất lấn biển, “vừa khuyến khích, vừa kiểm soát quá trình này có cơ sở khoa học”.