Phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng: Cả ba nhà đều thiệt hại?

(PLVN) - Việc đưa mặt hàng phân bón vào danh mục không chịu thuế giá trị gia tăng không những không kéo giá phân bón trong nước giảm, mà ngược lại, còn gây nên một số tác động tiêu cực, khiến Nhà nước thất thu, doanh nghiệp chịu thiệt hại, nông dân cũng chịu thiệt hại “kép” với phân bón giả và phân bón giá thành cao.
Doanh nghiệp phân bón, người nông dân… đang bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế? (Ảnh minh họa)

Các doanh nghiệp phân bón trong nước, trong đó có doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mong muốn Luật Thuế 71 sớm được sửa đổi.

Tác dụng ngược của sắc thuế

Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu là một trong những chủ trương quan trọng của Chính phủ nhằm điều tiết cung - cầu khi thị trường phân bón có biến động.

Để thực hiện chủ trương này, Quốc hội đã ban hành Luật Thuế 71/2014/QH13 (Luật 71), có hiệu lực từ năm 2015, quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại, với kỳ vọng có thể giảm chi phí giá thành sản phẩm phân bón, giúp người nông dân tăng lợi nhuận trong quá trình canh tác nông nghiệp. 

Song, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật 71 đã nảy sinh nhiều bất cập, không những giá bán phân bón trong nước không giảm mà còn làm hạn chế sản xuất kinh doanh, kìm hãm sự phát triển của các dự án đầu tư sản xuất phân bón. 

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 2015 khi thực hiện Luật Thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6,1%... so với những năm trước đó khi còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón. Nghịch lý này xuất hiện hoàn toàn ngược lại so với kỳ vọng ban đầu của Chính phủ là giảm giá bán phân bón, mang lại lợi nhuận cho người nông dân.

Lý do chính là vì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên mặt hàng phân bón không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng trong sản xuất. Từ đó, chi phí sản xuất phân bón tăng lên, doanh nghiệp buộc phải tính phần thuế GTGT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm, khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao. Không ít nông dân đã chuyển qua dùng phân bón nhập khẩu do giá cả cạnh tranh hơn. 

Sau khi Luật 71 có hiệu lực, mặc dù các nhà máy sản xuất phân bón trong nước có thể đáp ứng đủ nhu cầu phân urê, phân lân, phân NPK và hướng tới xuất khẩu một số sản phẩm, song từ năm 2015 đến nay, mỗi năm nước ta vẫn nhập khẩu khoảng trên 4 triệu tấn phân bón, chủ yếu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nga, Trung Đông… trị giá khoảng 1,33 tỷ USD. 

Chi phí giá thành phân bón trong nước tăng dẫn đến bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước khi cạnh tranh thị trường với phân bón nhập khẩu. Phân bón nhập khẩu đang hưởng lợi nhiều nhất bởi không phải chịu thuế GTGT, giá bán giảm 5%. Trong khi theo chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước, thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất.

Ngoài ra, hầu hết các nước này còn có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp. Do đó, phân bón nhập khẩu càng có lợi thế cạnh tranh về giá thành và giá bán, dẫn đến nhập khẩu phân bón tăng, còn sản xuất trong nước lại phải thu hẹp quy mô sản xuất. 

Sửa luật để cạnh tranh công bằng

Theo ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, khi sản phẩm phân bón bán ra không được trừ thuế GTGT thì doanh nghiệp không được trừ thuế GTGT đầu vào, vì vậy doanh nghiệp buộc phải cộng thêm toàn bộ giá trị thuế này vào giá thành sản xuất.

Còn các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón từ nước ngoài vào thì không phải chịu thuế GTGT đầu vào. Vô hình trung, chính sách này đang tạo ra “hỗ trợ” cho nhập khẩu từ nước ngoài mà không hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.  

Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước buộc phải giảm công suất, giảm sản lượng và thiệt hại nhiều tỉ đồng vì không được khấu trừ, hoàn thuế. Ngoài ra, chính sách này còn gián tiếp làm giảm đóng góp thuế GTGT của doanh nghiệp phân bón, gây thiệt hại cho nguồn thu ngân sách quốc gia.

Theo một nghiên cứu, phân bón đóng góp trên 40% cho việc nâng cao năng suất cây trồng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước rất cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách mà đúng hơn đó là sự cạnh tranh công bằng giữa sản phẩm phân bón nhập khẩu và sản phẩm phân bón sản xuất trong nước.

Bởi lẽ về lâu dài, sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu không thể đảm bảo phát triển nền nông nghiệp bền vững, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ công nghiệp – nông nghiệp – nông dân và nông thôn. Việt Nam cần xây dựng các chủ trương, quy định, giải pháp nhằm tăng cường sản xuất trong nước, giảm bớt nhập khẩu sẽ tiết kiệm được rất nhiều ngoại tệ cho đất nước.

Ngành nông ngiệp, nông dân, các doanh nghiệp phân bón đang trông chờ vào những cơ chế chính sách, quyết sách thật sự đúng đắn, sớm sửa đổi những điều luật không còn phù hợp, như Luật 71 hiện nay.

Đang “hỗ trợ” cho hàng nhập khẩu?

 

“Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội – TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, khi sản phẩm phân bón bán ra không được trừ thuế GTGT thì doanh nghiệp không được trừ thuế GTGT đầu vào, vì thế doanh nghiệp phải cộng thêm toàn bộ giá trị thuế này vào giá thành sản xuất. Còn doanh nghiệp nhập khẩu phân bón từ nước ngoài vào không phải chịu thuế GTGT đầu vào. Vô hình trung, chính sách đang “hỗ trợ” cho nhập khẩu từ nước ngoài mà không hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước?”.

Đọc thêm