Phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại

Phát huy những lợi thế so sánh của địa phương trong phát triển nông nghiệp, Lâm Đồng đã xác định Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một trong 6 chương trình trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ năm 2004 và những năm tiếp theo.
Phát huy những lợi thế so sánh của địa phương trong phát triển nông nghiệp, Lâm Đồng đã xác định Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một trong 6 chương trình trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ năm 2004 và những năm tiếp theo. Qua 7 năm thực hiện, Chương trình NNCNC cao đã tạo bước đột phá mới, góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh. Điều đó thể hiện:  Lâm Đồng bước đầu quy hoạch được vùng sản xuất chuyên canh rau, hoa, dâu tây, chè, chăn nuôi - thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo năng suất chất lượng và hiệu quả vượt trội; hình thành nhiều cơ sở nghiên cứu, sản xuất các loại giống cây, con giống với công nghệ tiên tiến; thực hiện lồng ghép nhiều chương trình phát triển KT-XH với phát triển NNCNC. Giai đoạn 2004 - 2010 đã đầu tư gần 2.600 tỷ đồng cho phát triển NNCNC; trong đó vốn huy động trong dân và thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế 2.566 tỷ đồng… Do vậy tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông - lâm nghiệp bình quân 5 năm (2006 - 2010) đạt 9,8%, vượt kế hoạch đề ra; tỷ trọng nông - lâm nghiệp chiếm 49% trong cơ cấu kinh tế; sản phẩm nông nghiệp đóng góp trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu… Tuy đạt một số kết quả quan trọng nhưng Chương trình phát triển NNCNC của tỉnh vẫn còn những mặt hạn chế: Trong tổ chức thực hiện đã có nhiều mô hình thành công song việc nhân rộng chưa tốt, diện tích được ứng dụng công nghệ cao còn thấp so với tiềm năng, thế mạnh; hướng ứng dụng công nghệ cao còn nhiều yếu tố chưa bền vững… Quan hệ giữa người sản xuất nguyên liệu với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự trở thành mối quan hệ chặt chẽ. Sự liên kết 4 nhà, công tác xây dựng thương hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu còn nhiều hạn chế… Từ bài học kinh nghiệm thực hiện Chương trình phát triển NNCNC, sắp tới Lâm Đồng sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, nhân rộng các mô hình tốt và hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, xây dựng thương hiệu và tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù; góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao.
BÌNH NGUYÊN

Đọc thêm