Phân định quyền lợi và trách nhiệm trong khai thác khoáng sản

Ngày làm việc thứ 7, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người; buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận một số nội dung khác nhau của dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Ngày làm việc thứ 7, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người; buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận một số nội dung khác nhau của dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi).

 

Trước khi các đại biểu tiến hành thảo luận dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi), Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này từng được các đại biểu góp ý trong kỳ họp trước.

Theo giải trình, về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác (quy định tại Điều 6), trong phần góp ý xây dựng dự thảo Luật, nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước phải có chính sách điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác, có chính sách bồi thường tái định cư, định canh, xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội của địa phương, đặc biệt là đào tạo chuyển đổi nghề cho người dân có đất bị thu hồi do hoạt động khoáng sản...

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nhiều ý kiến nêu trên là hợp lý và xin được tiếp thu, chỉnh lý quy định về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác cụ thể, rõ ràng theo hướng: Địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; quy định tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản có trách nhiệm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác; ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào hoạt động khai thác khoáng sản và các dịch vụ khác có liên quan. Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân đang sinh sống ở nơi có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản; hỗ trợ đầu tư nâng cấp, duy tu xây dựng hạ tầng kỹ thuật được sử dụng trong khai thác khoáng sản; hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.

Mặc dù đã được tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung, nhưng trong phần thảo luận, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội vẫn đề nghị trong dự thảo Luật cần quy định rõ một số nội dung như: Các điều khoản liên quan đến việc phân loại quy hoạch, thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch trong thăm dò, khai thác khoáng sản; nguồn thu của Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản; quy định về đấu giá quyền thăm dò, khai thác; chuyển nhượng quyền thăm dò khai thác; nhất là quy định về quyền lợi của người dân địa phương có khoáng sản, trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền... Có đại biểu cho rằng, theo Hiến pháp, tài nguyên khoáng sản là tài sản quốc gia, cần bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Trong dự thảo Luật mới chỉ nêu quyền lợi của doanh nghiệp và Nhà nước mà chưa rõ quyền lợi của cộng đồng.

Đại biểu Vũ Thị Phương Anh (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, Luật cần phải quy định rõ nguồn thu từ khai thác khoáng sản này dành cho địa phương là bao nhiêu phần trăm. Nếu không sau này doanh nghiệp tuy có dành cho địa phương một phần nào đó nhưng tỷ lệ không đáng kể. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Đình Nhã (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) góp ý: "Quyền lợi của địa phương, của người dân cần phải quy định rõ hơn. Quy định như trong dự thảo Luật còn rất chung chung, chưa cụ thể... Theo tôi, nên dành cho địa phương có khoáng sản khoảng 50% từ nguồn thu khai thác".

Cũng nhất trí dành tỷ lệ phần trăm đáng kể cho địa phương có khoáng sản, nhưng đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) lại đưa ra phương án: Nhà nước 40%, doanh nghiệp 30%, người dân có mỏ 30% nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn Thái Nguyên) tán thành việc quy định rõ tỷ lệ phần trăm cho địa phương nơi có khoáng sản nhưng lại cho rằng, không nên quy định "cứng" là bao nhiêu trong luật. Việc này nên giao cho Chính phủ ban hành các văn bản dưới luật. Cũng có đại biểu cho rằng, sau những thảm nạn trên thế giới về việc khai thác khoáng sản, đặc biệt là sự cố "bùn đỏ" tại Hung-ga-ri, đề nghị trong luật cần bổ sung điều khoản quy định trách nhiệm của doanh nghiệp khi xảy sự cố ảnh hưởng tới môi trường, cụ thể thời gian sau khi doanh nghiệp khai thác bao lâu thì phải phục hồi khu mỏ khai thác...

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu rõ: Trong Luật chỉ nêu những vấn đề có tính nguyên tắc, không thể quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm địa phương được hưởng là bao nhiêu. Quy định trong luật như vậy là rất khó. Vấn đề này nên giao cho Chính phủ ban hành các văn bản dưới Luật.

Quốc hội tiếp tục làm việc./.

(Theo QĐND)

Đọc thêm