Phận đời người đàn bà nhiễm HIV nhiều nghị lực

 Chị là nạn nhân của HIV, cuộc sống gia đình vừa kịp bén hơi hạnh phúc thì bỗng chốc tan nát vì chị phát hiện ra chồng bị nghiện ma túy. Nửa tháng sau, chồng chị qua đời, chị lại phát hiện ra mình bị nhiễm HIV, cuộc sống và tương lai phía trước với chị như sụp đổ hết. Nhưng rồi chị bình tâm lại để đối diện với sự thật, chị cố gắng vượt qua những ngày cay đắng nhất cuộc đời.

Chị là nạn nhân của HIV, cuộc sống gia đình vừa kịp bén hơi hạnh phúc thì bỗng chốc tan nát vì chị phát hiện ra chồng bị nghiện ma túy. Nửa tháng sau, chồng chị qua đời, chị lại phát hiện ra mình bị nhiễm HIV, cuộc sống và tương lai phía trước với chị như sụp đổ hết. Nhưng rồi chị bình tâm lại để đối diện với sự thật, chị cố gắng vượt qua những ngày cay đắng nhất cuộc đời.

Chị Nguyễn Thị Vân: HIV không đáng sợ như nhiều người vẫn tưởng

Hạnh phúc đổ vỡ

Tôi vô tình gặp chị đẩy xe hàng trên phố, nhìn chị bước đi tập tễnh tôi có ý giúp, chị xua tay “Không, cảm ơn em”. Bất ngờ chị khụyu xuống, vết thương ở chân bật máu ra, chị nhăn nhó lấy ra quấn bông băng để cẩn thận trong chiếc làn, tôi vội xuống xe giúp chị băng bó lại vết thương thì chị đẩy ra: “Ối! Không được”. Cố tình giằng quấn bông từ tay chị: “Sao mà không được? Chị bị Sida là cùng chứ gì?”. Nước mắt chị lăn trên gò má, mặc cho tôi băng bó lại cái chân tuần trước bị xe máy tông phải.

Theo chị về nhà, căn nhà nằm bên mép đồi hiu hắt thuộc Tổ 8A, phố Hồng Hà (TP. Việt Trì – Phú Thọ), chỉ có hai mẹ con sống nương tựa vào nhau. Sau khi pha nước mời khách, chị bắt đầu tâm sự cho chúng tôi nghe về những tháng ngày tăm tối nhất của cuộc mình.

Chị tên thật là Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1960, quê gốc ở Việt Trì, sinh ra và lớn lên trên chính căn nhà mà chúng tôi đang ngồi. Là chị cả trong một gia đình có 9 chị em, tuổi thơ vất vả nhưng cũng được ăn học đến nơi đến chốn như bao đứa bạn cùng trang lứa. Vì gia đình đông chị em, sợ cha mẹ vất vả nên chị chỉ học hết lớp 12 rồi về phụ giúp cha mẹ làm ăn.

Sau đó, chị xin làm công nhân nhà máy mì chính Miwon, trong thời gian này chị gặp chàng trai bộ đội quê Hà Tây, đóng quân ở Việt Trì. Hai người tìm hiểu nhau một thời gian thì chị theo anh về làm dâu Xứ Đoài. Chồng chị hết thời gian nghĩa vụ, chị cũng xin nghỉ làm công nhân rồi hai người đưa nhau về quê chồng sinh sống. Nhà chồng quanh năm chỉ có làm nông, vì thế khó khăn ngày càng đè nặng lên cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ. Anh chị tính đến chuyện buôn tre, bán nứa nhưng buôn bán ế ẩm, kinh tế vẫn không khá lên được. Cũng may sau đó anh xin được một chân lái xe cho một cửa hàng tạp hóa. Suốt một thời gian dài anh phải chạy xe chở hàng tạp hóa lên vùng Lào Cai, Lai Châu, Bắc Cạn, Tuyên Quang. Trên chặng đường dài lái xe, buôn hàng vượt núi đó anh không kiềm chế được mình nên đã sử dụng ma túy.

Cuối năm 1998, chị phát hiện ra anh  bị nghiện thuốc phiện. Ngày ấy, trời đất như sụp đổ xuống trước mắt chị. Giận anh lắm nhưng vẫn gắng khuyên anh vì vợ, vì con nên cố gắng cai nghiện nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy. Sợ hàng xóm láng giềng biết nên chị đưa anh về Việt Trì để tránh xa đám bạn nghiện, rồi giấu bố mẹ mình đưa chồng đi trại cai nghiện.

Nhưng chỉ được nửa tháng sau, trong một lần chị vào trại thăm anh, chị lại nhận được hung tin chồng chị bị nhiễm HIV giai đoạn cuối. Chị sững sờ trước cái tin sét đánh ngang tai đó. Ngậm ngùi đón anh về nhà để chăm sóc cho anh, được mấy ngày sau thì anh qua đời. Cuộc đời chị từ đây như “thuyền không bến”, biết bấu víu vào đâu những ngày đau ốm, biết lấy ai chia sẻ khi buồn vui.

Vượt qua bão giông cuộc đời

Một thời gian sau, chị thấy sức khỏe của mình yếu đi, ho nhiều, hay hoa mắt. Vì lo lắng cho mình cho nên chị đi khám. Cầm giấy chứng nhận xét nghiệm trên tay mà đôi mắt chị nhòa đi. Chị không tin vào mắt mình nên đến Bệnh viện Lâm sàng Nhiệt đới làm lại xét nghiệm. Khi đi xét nghiệm lại, chị lấy băng khẩu bịt kín mặt vì không muốn cho ai thấy nhận ra mình. Bác sĩ gọi chị vào phòng, cho chị biết chị bị bệnh Lao và… HIV. Chị bật khóc nức nở, được bác sĩ động viên chị mới hiểu rằng: “Dính HIV có thể không chết nhưng bệnh Lao mà không chữa chắc chắn sẽ chết. Chị cứ yên tâm mà chữa Lao cho khỏi, sau rồi tính tiếp…”.

Kỳ thật lúc ấy chị cũng không muốn sống nữa, muốn chết đi cho đỡ tủi phận nhưng  chị nghĩ đến cảnh đứa con trai không ai dạy dỗ, nó sẽ hư hỏng. Vậy là, chị đành sống tiếp để nuôi dạy con.

Những ngày sau mọi người biết chuyện, biết bao nhiêu ánh mắt dò xét, rồi những cuộc bàn tán của hàng xóm, láng giềng làm cho công việc làm ăn của chị ngày một thua kém đi. Trước đó, quán bán hàng ăn của chị rất đông khách, tin chị bị HIV chẳng mấy chốc đã đồn ra khắp phường, vì thế các khách quen cũng không còn đến quán ăn của chị nữa. Bị kỳ thị nhiều quá nên chị thôi nghề bán hàng ăn.

Đứa con trai vừa học lớp 12 chuẩn bị thi Đại học nghe tin mẹ thế nên không muốn đến trường nữa. Sau khi đi học nghề hai năm ở Vĩnh Phúc cũng không muốn về nhà nên vào Sài Gòn làm công nhân, rồi lấy vợ và sống luôn ở trong đó.

Cuối 2006, chị chuyển sang bán dép, đang có khách mua hàng thì người hàng xóm lôi người quen mua hàng ra thì thầm: “Đừng mua con ấy mà lây Sida”, người khách tá hỏa vứt vội đôi dép xuống, những người khác dù biết chị bán rẻ hơn cửa hàng khác nhưng cũng không vào quán chị cũng chỉ vì họ biết chị bị HIV.

“Quãng thời gian ấy với chị sao mà cay đắng đến vậy!”, chị đưa tay gạt nước mắt kể tiếp: Biết bao nhiêu cái nhìn ái ngại, họ bàn tán cho rằng chị trai gái nên mới bị HIV, chứ không biết rằng chị bị lây nhiễm từ chồng. Họ né tránh chị khi đi trên đường, đi chợ, họ ngại ngồi cùng bàn với chị khi chị đi ăn cỗ thay gia đình. Những đứa em dù thương chị nhưng vẫn không cho các cháu tiếp xúc với chị vì sợ lây nhiễm. Những tưởng rằng chị sẽ buồn, sẽ uất ức mà quên sinh, hoặc bỏ làng mà đi nhưng chị vẫn kiên cường sống, kiên cường vượt qua những ngày tháng cay đắng nhất của cuộc đời.

Vì “Ngày mai tươi sáng”

Sau khi được Hội Phụ nữ phường Hồng Hà vận động, tuyên truyền về HIV, chị mới biết không phải cứ mắc HIV là chết, con người ta có thể kéo dài tuổi thọ khi sống tự tin và không lo lắng. Rồi chị biết căn bệnh HIV nó không đáng sợ như nhiều người lầm tưởng.

Chị tham gia thành lập CLB Ngày mai tươi sáng và được đi nhiều tỉnh để tham gia lớp tập huấn về HIV. Sau đó chị quyết định xuất hiện trên chương trình “Gương mặt đời thường” trên Đài Truyền hình Phú Thọ, sự xuất hiện của chị trên truyền hình đã làm cho nhiều người trẻ bị HIV tìm đến chị. Những người mắc HIV tìm đến chị đều được chị giúp đỡ nhiệt tình và đưa đến Trung tâm Phòng chống ASDI ở tỉnh. Nhiều người phụ nữ sau khi được chị tư vấn, đã lấy lại được lẽ sống, cố gắng lao động để nuôi con.

Chị cũng rất buồn khi có những trường hợp bị lộ ra, bị công ty cho thôi việc, con của họ nhiều trường không cho học, có trường cho học thì học sinh lại không đến trường nên cũng đành ngậm ngùi bỏ học. Chị không ngại ngần tìm đến em Nguyễn Văn Long – cậu bé mồ côi, bố chết vì HIV, mẹ bị tâm thần để xin cho Long được đi học.

Chị ước rằng chị có tiền để chị lập một Trung tâm, tạo công ăn việc làm cho những người phụ nữ, trẻ em bị HIV. Khi xin phép chị cho được đăng tấm hình của chị lên bài báo, chị tươi cười: “Cứ đăng ảnh chị thỏa mái, tôi cũng mong muốn nhiều bạn trẻ nhìn thấy tôi sống khỏe mạnh, nếu tìm tới tôi, tôi sẵn lòng tư vấn”. Chị còn cho biết rất người vô tình mắc vào HIV, nếu họ biết chị có cuộc sống như thế, họ sẽ có thêm niềm tin và nghị lực để sống tiếp.

Người phụ nữ ấy vẫn ân cần chăm sóc cho năm đứa cháu ruột. Và tôi biết rằng, gia đình chị đã hiểu ra HIV là như thế nào. Trước khi về chị còn hái cho tôi mấy quả xoài trước cổng và dặn rằng: “Nếu có ai bị HIV thì em cứ mách lên đây”. Chia tay người phụ nữ kiên cường ấy, tôi tin rằng: Căn bệnh kia nó không đáng sợ như nhiều người vẫn tưởng, nhưng chúng ta cũng nên tự biết cách phòng tránh cho chính mình, để chúng ta không bị vướng vào những nỗi đau như chị đã từng.

Tự Lập

Đọc thêm