Từ thực tiễn công tác kiểm soát hành chính tại các đơn vị, nhóm đoàn viên thanh niên Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng đã xây dựng phần mềm “Quản lý tàu cá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Sau một thời gian đưa vào thử nghiệm đã đem lại những hiệu quả trong công tác quản lý tàu cá. Mới đây, sản phẩm này còn đoạt giải nhất Hội thi “Tuổi trẻ BĐBP với ứng dụng công nghệ thông tin”.
|
|||
Nhóm tác giả viết phần mềm “Quản lý tàu cá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Ảnh: NGUYỄN MINH |
Đà Nẵng hiện có 2.250 tàu cá với trên 10.200 lao động và thường xuyên có hơn 400 tàu cá của các tỉnh lân cận hoạt động, neo đậu; trung bình mỗi ngày có khoảng 100 tàu với 500 lượt lao động đăng ký xuất - nhập tại các Trạm Kiểm soát biên phòng. Số lượng tàu cũng như lao động nghề cá đang phát triển nhanh, đa dạng, thường xuyên biến động. Trong khi đó, số lượng các vụ va chạm, tai nạn, bươn vướng lưới, mất lưới, tàu cá hỏng máy rồi trôi dạt trên biển, tàu cá bị nước ngoài bắt giữ… có chiều hướng ngày càng gia tăng, mà hồ sơ tàu thuyền tại các địa phương, đơn vị chủ yếu được lưu trữ, quản lý dưới dạng hồ sơ giấy hoặc các file dữ liệu, gây nhiều khó khăn trong công tác thống kê, tìm hiểu khi có yêu cầu.
Việc quản lý tàu thuyền đánh cá trong trường hợp có bão, áp thấp nhiệt đới hiện nay vẫn còn bất cập, dẫn đến hạn chế trong công tác chỉ đạo xử lý. Xuất phát từ những hạn chế trên và nung nấu về cách quản lý hiệu quả, dễ dàng hơn, nhóm đoàn viên thanh niên của Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố gồm: Hà Văn Thoong, Đinh Thanh Phú, Nguyễn Kiên Cường, Lê Quang Huy và Phùng Văn Quán đã bắt tay xây dựng phần mềm “Quản lý tàu cá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” trên nền web; máy chủ chứa cơ sở dữ liệu và có người quản trị toàn bộ chương trình; tại các đồn, trạm biên phòng có các máy con được kết nối với máy chủ thông qua mạng nội bộ hoặc đường truyền Internet. Sản phẩm này được hoàn thành trong vòng 2 tháng và đã đưa vào thử nghiệm tại 2 đơn vị, góp phần cải cách thủ tục hành chính của BĐBP, mới đây còn đoạt giải nhất tại Hội thi “Tuổi trẻ BĐBP với ứng dụng CNTT”.
Phần mềm “Quản lý tàu cá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” có 6 chức năng chính gồm: Quản lý hồ sơ tàu thuyền (lưu trữ, quản lý chặt chẽ các thông tin liên quan đến tàu cá như: thông tin về tàu, chủ tàu, tàu bị tai nạn, bị trấn cướp, liên quan đến tàu nước ngoài, thông tin vi phạm của phương tiện…), đăng ký xuất - nhập tàu cá khi qua các Trạm Kiểm soát biên phòng, thống kê báo cáo (tàu thuyền chưa về bến, chưa xuất bến, số lượt xuất - nhập…), quản lý văn bản, in trực tiếp dữ liệu và chức năng quản trị.
Thượng úy Hà Văn Thoong - Trưởng ban Thanh niên BĐBP TP. Đà Nẵng, trưởng nhóm cho biết: “Phần mềm này có tính ứng dụng cao, có thể phát triển để ứng dụng kết nối dữ liệu và triển khai trên phạm vi toàn quốc. Trong nhiều trường hợp bức bách, phần mềm này rất nhanh chóng có ngay những kết quả phục vụ công tác quản lý, điều tra, chỉ đạo xử lý trong phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ phát triển ngành nghề khai thác hải sản...
Chẳng hạn, khi một tàu gây tai nạn rồi bỏ chạy, ngư dân bị nạn chỉ còn nhớ tàu có số ký hiệu là 900, ta có thể lọc ra ngay những tàu có số ký hiệu 900 để phục vụ điều tra. Hoặc khi có bão, sẽ có ngay con số bao nhiêu tàu chưa trở về bến; có bao nhiêu tàu của các tỉnh đang neo đậu tại Đà Nẵng; danh sách thuyền viên trên các tàu của Đà Nẵng hiện chưa về bến…”.
Thượng úy Thoong còn cho biết thêm: “Trong thời gian tới, phần mềm này tiếp tục được hoàn thiện và đưa vào ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn công tác của BĐBP. Còn trong tương lai, sẽ tiếp tục phát triển đề tài nhằm quản lý chặt chẽ, toàn diện hơn về chủ tàu, người lao động cũng như các hoạt động, vi phạm của phương tiện; quản lý sâu hơn về phương tiện trong các trường hợp như: đổi chủ, hư hỏng, sửa chữa cải hoán, các chính sách hỗ trợ; quản lý tất cả các phương tiện khác xuất - nhập qua các Trạm Kiểm soát biên phòng và có thể sử dụng thống nhất trên toàn quốc; tích hợp với phát triển hải đồ điện tử, gắn chip định vị điện tử trên các tàu để quản lý, tìm kiếm chính xác vị trí tọa độ của tàu hoạt động trên biển nhằm xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra (bão, áp thấp nhiệt đới, hỏng máy trên biển…); hỗ trợ ra các quyết định, chính sách phát triển ngành nghề khai thác hải sản, phát triển kinh tế biển.”
HOÀNG HIỆP