Phần mềm sáng tạo

Làm quen với công nghệ thông tin từ năm lớp 10, đến nay, cặp song sinh Lê Hoàng Anh, Lê Anh Tiến đã sáng tạo được hơn 10 phần mềm, trong đó có nhiều phần mềm được ứng dụng vào thực tế. Hiện, Hoàng Anh đang học năm thứ nhất Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, còn Anh Tiến cũng đang học năm thứ nhất Khoa Điện tử viễn thông Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Làm quen với công nghệ thông tin từ năm lớp 10, đến nay, cặp song sinh Lê Hoàng Anh, Lê Anh Tiến đã sáng tạo được hơn 10 phần mềm, trong đó có nhiều phần mềm được ứng dụng vào thực tế. Hiện, Hoàng Anh đang học năm thứ nhất Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, còn Anh Tiến cũng đang học năm thứ nhất Khoa Điện tử viễn thông Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Vượt khó

Hai anh em Lê Hoàng Anh và Lê Anh Tiến.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 anh em, bố là giáo viên dạy lái xe, mẹ làm nội trợ, cuộc sống trong gia đình còn lắm khó khăn, vì vậy, ngay từ nhỏ, Lê Hoàng Anh, Lê Anh Tiến rất chịu khó học tập, cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Hằng ngày, sau những buổi học, 2 em tranh thủ đi làm gia sư kiếm thêm tiền trang trải học tập và phụ giúp bố mẹ.

Lê Hoàng Anh cho biết: “Tụi em học một buổi, có khi cả ngày nên lịch học và làm việc được sắp xếp rất kỹ lưỡng. Hằng ngày đi học về, tụi em lại đi dạy thêm, hôm nào không đi dạy tranh thủ nhận giữ xe ở công viên, hay làm hàng mã, có việc gì làm việc ấy để kiếm tiền làm các phần mềm. Nhiều lúc khó khăn, không có tiền ra mạng tìm tài liệu, máy móc cũ không chạy được các phần mềm mới em cũng nản lắm, định bỏ cuộc. Nhưng được bố mẹ và người thân động viên, niềm đam mê sáng tạo lại thôi thúc em quyết tâm cố gắng”. “Mỗi lần tiếp cận một phần mềm mới, tụi em mất chừng 2 tháng để tự học tiếng Anh và các ngôn ngữ lập trình, sau đó mất gần 1 tháng nữa để hoàn thiện sản phẩm của mình. Kiến thức thì tụi em có thể tự tham khảo trong sách vở ở các nhà sách hay trên mạng Internet, nhưng điều khó khăn nhất đối với tụi em bây giờ là kinh phí. Mặc dù bọn em đi dạy thêm, làm thêm rất nhiều nhưng cũng không đủ tiền trang trải cho việc hoàn thiện các phần mềm mới”, Lê Anh Tiến cho biết thêm.

“Gia đình nghèo khó, mãi đến đến năm lớp 11, sau khi 2 con dành dụm được ít tiền từ công việc làm thêm và tiền thưởng từ các cuộc thi, gia đình đã hỗ trợ mua máy tính cho 2 em. Nhiều hôm thấy con học tập căng thẳng quá lại hăm hở tìm các phần mềm mới để tham gia cuộc thi đến quên ăn quên ngủ, người gầy rộc đi, tôi thương quá nhưng chỉ biết động viên con cố gắng chứ cũng không giúp gì được”, mẹ 2 em chia sẻ.

Những phần mềm sáng tạo hữu ích

Với những phầm mềm sáng tạo hữu ích, trong nhiều năm qua, Hoàng Anh và Anh Tiến đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng như: Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” năm 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Huy chương “Nhà sáng chế trẻ Việt Nam” của Bộ Khoa học và Công nghệ; giải nhì Hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2007-2008; giải ba cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc và nhiều giải thưởng của Hội thi Tin học trẻ không chuyên thành phố Đà Nẵng...

Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng trong Hoàng Anh và Anh Tiến, niềm đam mê công nghệ thông tin không bao giờ tắt. Hễ có cuộc thi nào về công nghệ thông tin là Hoàng Anh và Anh Tiến lại tham gia và đã có nhiều phần mềm của 2 anh em được ứng dụng vào thực tiễn.

Một trong những phần mềm mang lại hiệu quả cao phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của các sinh viên cũng như việc giảng dạy của các giáo viên, giảng viên chuyên ngành Sinh học là phần mềm Organism Dictionary (Từ điển sinh vật) của Lê Anh Tiến. Với phần mềm này, Tiến đã đạt giải ba cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên và nhi đồng toàn quốc lần thứ 3 (năm 2006-2007). Đây là trang từ điển sinh vật ứng dụng trên mạng thông qua website http://tudiensinhvat.vn. Qua đó, khi tra cứu, phần mềm sẽ cung cấp cho người sử dụng những hiểu biết hoàn chỉnh nhất về sự đa dạng của các loài vật như động vật, thực vật, sinh vật... Ngoài ra, Hoàng Anh và Anh Tiến còn cho ra đời phần mềm “Vui học đến trường 3.6” dành cho các bé mầm non và học sinh tiểu học. Phần mềm này đã giúp các bé làm quen và phát triển tư duy với các hình khối, chữ số, cách phát âm bảng chữ cái, các biển báo giao thông bằng video clip sinh động. Qua đó, các bé còn có thể làm quen với bàn phím và máy tính, mạng Internet… Với phần mềm này, 2 anh em đã đạt giải nhì trong cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 14.

Không dừng lại ở đó, năm vừa qua, với sản phẩm phần mềm “All in one for mobile 1.0”, cặp song sinh Lê Hoàng Anh, Lê Anh Tiến lại đạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi toàn quốc lần thứ 6 và Huy chương đồng cuộc thi Triển lãm Quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ lần thứ 7 (IEYI 2010). Với phần mềm “All in one” này, người sử dụng có thể truy cập tra cứu các thông tin bằng ngôn ngữ tiếng Việt về lịch sử, danh bạ điện thoại; thông tin thời tiết; giá vàng, ngoại tệ; lịch chiếu truyền hình; làm trắc nghiệm về Thăng Long-Hà Nội và gửi cả tin nhắn miễn phí trên các mạng di động. Đặc biệt, phần mềm này còn có chức năng tra từ điển và dịch đoạn văn bản với nhiều thứ tiếng được lấy dữ liệu trên Google.

Lê Anh Tiến cho biết: “Hiện tại, em muốn cố gắng học thật giỏi để kiếm được học bổng đi du học nước ngoài. Song song với việc tham gia các cuộc thi, em sẽ tìm một số nhà tài trợ giúp mình hoàn thiện các phần mềm”. Còn Hoàng Anh cũng ước mơ trong tương lai gần có thể làm chủ một công ty phần mềm. Hy vọng rằng cùng với những cố gắng, sự ham học hỏi của mình, ước mơ của các em sẽ sớm được thực hiện.

Bài và ảnh:  Thanh Tình

Đọc thêm