Phận người nhập cư ở Nga

Nhóm đàn ông Uzbekiztan đi 4 ngày tàu từ Tashkent đến Matxcơva và chỉ ít phút sau khi đặt chân đến miền đất hứa, họ bị cảnh sát hỏi hộ chiếu và đòi tiền.
Nhóm đàn ông Uzbekiztan đi 4 ngày tàu từ Tashkent đến Matxcơva và chỉ ít phút sau khi đặt chân đến miền đất hứa, họ bị cảnh sát hỏi hộ chiếu và đòi tiền.

7 người đàn ông kiệt sức và hoảng loạn trong khi cảnh sát giơ vũ khí và hét vào mặt họ. Cuối cùng, sau 10 phút thương lượng, họ đồng ý nộp 200 ruble (7 USD) và chạy khỏi đồn cảnh sát trong sợ hãi.

Một người đồng hương của họ tên là Zafar và làm nghề lau dọn sàn nhà tại ga Kazansky nhún vai khi biết chuyện. "Chuyện thường ngày ấy mà", anh nói. "Cảnh sát chặn bạn lại, hỏi giấy tờ. Nếu không có, họ đòi 200 ruble. Nếu có, họ cũng vẫn đòi 200 ruble".

Khoảng 10 triệu lao động nhập cư từ Trung Á và các nước thuộc Liên Xô cũ sang Nga làm những công việc mà người dân bản địa không muốn động đến, ví dụ lau dọn, làm việc trong các khu chợ hoặc công trường xây dựng. Họ đến vì tiền bởi thu nhập ở Nga thường cao gấp 4 đến 5 lần ở quê nhà.

Dilshyod, 23 tuổi, từ Tajikistan, là một trong số đó. Người đàn ông xanh xao này đến Nga cách đây ba năm và hiện làm việc tại vùng đất khô cằn Chelobityevo, cách Matxcơva khoảng 20 km. Anh gọi chiếc lán ghép từ những tấm ván và kim loại là nhà. Dilshyod ngủ trên nóc chiếc lán này cùng ba người nữa trong nỗi lo sợ thường trực rằng cảnh sát sẽ tìm ra và bắt họ.
Một người đàn ông nhập cư sống trong túp lều tăm tối ở Nga.
Ảnh: Ria Novosti.
Riêng trong năm nay, giới chức địa phương phá hủy khoảng 20 ngôi nhà như vậy ở Chelobityevo, nơi cư ngụ của hơn 300 người Uzbekistan và Tajikistan. Họ cho rằng những người này nhập cư bất hợp pháp. "Nhìn kìa, chẳng có chút sự sống nào ở đây cả, nhưng chúng tôi vẫn cố xoay xở. Cảnh sát ập đến hàng đêm và tróc nã chúng tôi, đòi tiền. Kể cả chúng tôi có đủ giấy tờ, họ vẫn đòi 200 ruble", anh nói. Nhiều nhà hoạt động xã hội vì quyền lợi của lao động nhập cư cho rằng giới chức Nga không làm gì nhiều để giúp nhóm người này. "Họ từ bỏ tất cả để đến Nga nhưng đất nước này làm gì để giúp họ?", Bakhrom Khamroyev, một người Uzbekiztan làm việc cho tổ chức nhân quyền Memorial, nói. "Rốt cục họ rơi vào các trại tập trung thời hiện đại, trở nên cô lập và không thể hòa nhập". Khu làng tuềnh toàng này giờ bao quanh bằng dây thép gai. Sự sống bắt đầu trở lại khi những người nhập cư dựng lại những túp lều nhưng họ vẫn sợ hãi. Mỗi khi đêm xuống, Dilshyod cùng người đồng hương Ali không dám rời khỏi đó vì sợ cảnh sát bắt. "Chúng tôi không bao giờ ra khỏi Chelobityevo. Tôi mới đến Matxcơva một lần và không biết cách đi tàu điện ngầm. Tôi hỏi một người địa phương và ông ta hét lên vào mặt tôi rồi bỏ đi", Ali, người ở Nga một năm nay, cho hay. Một cuộc trưng cầu gần đây do trung tâm Levada thực hiện cho thấy chuyện lao động nhập cư được coi là vấn đề lớn nhất của Matxcơva, bên cạnh giá cả tăng vọt. Nhưng cũng như giá cả cao, lao động nhập cư là một phần không thể tách rời của nền kinh tế Nga. "Trừ năm 2009 khi khủng hoảng kinh tế đánh vào thị trường lao động của Nga, nước này luôn cần lao động nhập cư", Sergei Guriev, một nhà nghiên cứu về lao động nhận định. Trong khi đó, hội nhà thờ Thiên chúa chính thống gợi ý ra quy chuẩn người Matxcơva nhằm giúp người nước ngoài hiểu về văn hóa và cách hành xử tại thành phố này. Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng các quy định đó là để giúp người nhập cư hòa nhập. Khamroyev cho rằng nó sẽ chỉ gây thêm căng thẳng giữa người dân thành phố và người nước ngoài. Nhưng đối với Xamza, 30 tuổi và sống ở Nga được 5 năm, sự đồng hóa không phải là quan trọng nhất. Mối quan tâm lớn nhất của anh là kiếm tiền. Xamza sống trên mái nhà của hơn chục công trường xây dựng khắp nước Nga suốt mấy năm qua và giờ xây dựng khu liên hợp thể thao ở phía đông thủ đô. "Cuộc sống khó khăn lắm. Tôi có vợ và con gái ở quê nhà, một cháu nữa lại sắp ra đời. Vợ tôi thậm chí không nói đó là con trai hay con gái mà chỉ bảo nếu muốn biết thì tôi phải về. Nhưng tôi đến đây để kiếm tiền, kiếm tiền ở đây dễ hơn", anh nói.
Theo Ria Novosti/ VNE

Đọc thêm