Phán quyết chưa từng có cho kẻ làm đồ ăn bẩn đến hãi hùng

(PLO) - Các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng Mỹ đặc biệt chú ý tới phán quyết vừa tuyên của tòa dành cho chủ doanh nghiệp bán đồ ăn bẩn. Đây là phán quyết chưa từng có, đi vào lịch sử tư pháp Mỹ.

Bên ngoài nhà máy siêu bẩn của PCA
Bên ngoài nhà máy siêu bẩn của PCA

Dân Mỹ ăn đồ bẩn

Từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2009, tin tức về việc 9 người chết và ít nhất 714 người mắc bệnh vì nhiễm độc thực phẩm làm người Mỹ hoảng sợ. Các nạn nhân ở rải rác hầu hết các bang của Mỹ. Nhân viên y tế đã điều tra, truy tận gốc tai họa: Nạn nhân ăn thức ăn chứa đậu phộng nhiễm khuẩn salmonella phát xuất từ một xưởng sản xuất ở bang Georgia của công ty Peanut Corporatin of America (PCA).
PCA do Stewart Parnell làm chủ kiêm giám đốc điều hành, đặt trụ sở tại Lynchburg, bang Virginia.
Báo cáo của nhân viên điều tra  khiến dân chúng hết sức phẫn nộ. Các cơ sở sản xuất của PCA có điều kiện vệ sinh tồi tệ. Nhà xưởng tồi tàn, sàn và tường mốc meo, mái nhà và tường có lỗ hổng nước mưa rơi vào và chuột ra vô tự ý. Xác côn trùng, xác chuột, phân chuột, phân chim lẫn vào nguyên liệu. Nguyên liệu thô và thành phẩm để lẫn lộn. Dụng cụ chế biến thực phẩm không được rửa. Nhân viên làm việc trong xưởng cho biết chủ không chịu sửa chữa, nâng cấp nhà xưởng vì ngại tốn tiền.
Để có lời nhiều, PCA mua đậu phộng giá rẻ nhất có thể. Chuyện sản phẩm không đạt chuẩn, nhiễm bẩn là đương nhiên. Trong thập niên 1990,  PCA từng bị hai công ty khách hàng kiện vì sản phẩm chứa aflatoxin, một chất chống mốc, vượt mức cho phép. 12 xét nghiệm do phòng thí nghiệm thực hiện từ năm 2007 – 2008 cho thấy sản phẩm của PCA bị nhiễm salmonella. Vậy mà cho tới lúc hàng loạt người tiêu dùng bị ngộ độc vì ăn sản phẩm chứa đậu phộng của PCA, ông chủ cơ sở này đang là… thành viên của Ủy ban tiêu chuẩn đậu phộng của Bộ Nông nghiệp Mỹ do Bộ trưởng Nông nghiệp đề cử.
Làm ăn gian dối, bị mất nghiệp còn thêm tù tội
PCA bị buộc phải đóng cửa, làm thủ tục tuyên bố phá sản vào tháng 2/2009. Bang Georgia cân nhắc việc kiện PCA. Theo luật của bang này, sai phạm của PCA chỉ bị xử tội nhẹ. Để có thể trừng phạt PCA đích đáng, Bộ Tư pháp Mỹ quyết định kiện PCA ra tòa án liên bang căn cứ theo Luật Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm (viết tắt FD&C) năm 1938.
Hai đối tượng bị truy tố 76 tội danh
 Hai đối tượng bị truy tố 76 tội danh
FD&C xem là trọng tội hành vi sản xuất thực phẩm không đạt tiêu chuẩn và đưa ra bán giữa các bang với ý định lừa dối, lường gạt. Thực phẩm bị xem là không đạt tiêu chuẩn nếu:
1. Chứa chất độc, chất gây hại cho sức khỏe;
2. Chứa chất pha trộn độc hại;
3. Vật chứa thực phẩm, một phần hay toàn bộ, chứa chất độc hại có thể làm cho thực phẩm bên trong trở nên có hại;
4. Chứa cặn hóa chất diệt sâu bọ không an toàn;  
5. Chứa chất phụ gia thực hẩm không an toàn;
6. Chứa thuốc dành cho thú vật mới không an toàn;
7. Chứa chất phụ gia tạo màu không an toàn;
8. Có lẫn, một phần hay toàn bộ, bất cứ chất bẩn thỉu, thối rữa, bị phân hủy hay nói cách khác, không phù hợp để làm thức ăn;
9. Được chuẩn bị, đóng gói, cất giữ trong các điều kiện mất vệ sinh, thực phẩn vì thế có thể bị nhiễm bẩn trở nên có hại.  
Tháng 2/2013, bốn người quản lý cũ của PCA bị tố  76 tội, gồm: Stewart Parnell, ông chủ kiêm Giám đốc điều hành PCA; Michael Parnell (em của Stewart Parnell), người giao dịch bán hàng, đại diện cho PCA; Mary Wilkerson người quản lý chất lượng sản phẩm và Samuel Lightsey, quản lý nhà máy PCA. Samuel Lightsey đồng ý nhận tội và làm nhân chứng chống lại chủ cũ để đổi lấy hình phạt nhẹ hơn.
Phiên tòa xử ba người còn lại bắt đầu vào đầu tháng 8/2014. Tại tòa, các công tố viên liên bang đưa ra hơn 1.000 chứng cứ và cho gọi 45 nhân chứng.
Sau 7 tuần làm việc, ngày 19/9/2014, Tòa tuyên Stewart Parnell và Michael Parnell 76 tội bao gồm lừa dối, cản trở công lý, làm giả các giấy chứng nhận chất lượng. Mary Wilkerson bị buộc một tội cản trở công lý, giấu thông tin. Tòa chưa tuyên hình phạt cụ thể đối với ba người nhưng công tố viên Michael Moore cho biết hai anh em Parnell có khả năng bị kêu án tù lâu đến nỗi phải ở tù đến suốt đời./.
Nước Anh cũng từng chấn động vụ sôcôla nhiễm khuẩn:
Liên quan đến thực phẩm nhiễm khuẩn salmonella, nước Anh cũng từng chấn động với một vụ việc. Tháng 4/2007, Hội đồng thành phố Birmingham và  Hội đồng Hạt Herefordshire đã cáo buộc công ty đa quốc gia Cadbury Schweppes phạm tổng cộng 9 tội căn cứ theo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do một sự cố kỹ thuật, vào tháng Giêng năm 2006, sôcôla do xưởng sản xuất của công ty ở Hạt Herefordshire bị nhiễm khuẩn salmonella. Công ty phát hiện sản phẩm nhiễm khuẩn từ tháng 2/2006 nhưng đã không thu hồi, cũng không báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Hậu quả là 42  người bị ngộ độc. Cơ quan y tế điều tra, tìm ra nguyên nhân gây bệnh, truy cứu trách nhiệm của nhà sản xuất. Công ty thu hồi hơn một triệu thanh sôcôla, chi trên 20 triệu bảng Anh (hơn 700 tỉ VNĐ) để nâng cấp hệ thống  sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Tháng 7/2007, trước tòa, Cadbury Schweppes nhận tất cả 9 sai phạm được nêu trong cáo trạng. Tòa phạt công ty triệu bảng Anh (khoảng hơn 30 tỉ VNĐ).
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm