Phân tích làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và pháp luật

Ngay trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 12, không khí diễn đàn nóng hơn so với các kỳ họp trước. Các đại biểu thảo luận khá sôi động nhiều vấn đề liên quan đến dân sinh, trong đó có sai phạm của Tập đoàn Vinashin, được đề cập trong báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011của Chính phủ.  

Ngay trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 12, không khí diễn đàn nóng hơn so với các kỳ họp trước. Các đại biểu thảo luận khá sôi động nhiều vấn đề liên quan đến dân sinh, trong đó có sai phạm của Tập đoàn Vinashin, được đề cập trong báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011của Chính phủ.  

Phân tích làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và pháp luật ảnh 1
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải phòng, Hà Giang, Gia Lai, Lạng Sơn tại phiên thảo luận tổ.

Sai phạm từ lợi dụng kẽ hở của luật pháp

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn đánh giá: Tình trạng nghiêm trọng hiện nay của VINASHIN chủ yếu là do sự yếu kém trong quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, báo cáo không trung thực của lãnh đạo Tập đoàn. Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các Bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của Tập đoàn. Bộ Chính trị nghe Chính phủ báo cáo và có kết luận chỉ đạo. Chính phủ triển khai thực hiện và đến nay có một số kết quả bước đầu. Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực quản lý và hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình cho rằng: “Những cảnh báo về Vinashin có từ lâu, nhất là khi có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến Vinashin, đại biểu Quốc hội chất vấn và dư luận trong dân. Các đoàn thanh tra tiến hành 11 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát nhưng không phát hiện cái cốt lõi. Như vậy thanh tra, kiểm tra, giám sát ở đây thế nào?”.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng Trần Ngọc Vinh đề nghị phân tích và đánh giá chi tiết hơn về hiệu quả sử dụng vốn, việc đầu tư đa ngành, đa nghề của Vinashin. Sai phạm như vậy nhưng nhiều lần thanh tra, kiểm tra không phát hiện thiếu sót lớn, vậy hiệu quả của công tác thanh tra có thực chất?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết: Chính phủ đầu tư khoảng 4-5 tỷ USD vào Vinashin, cho phép tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề, tạo quyền tự chủ tối đa. Thậm chí khi đưa vào luật cũng theo mô hình nới rộng quyền cho các tập đoàn. Luật doanh nghiệp nhà nước quy định trong trường hợp nào HĐQT được ủy quyền cho tổng giám đốc các tập đoàn có quyền quyết định các dự án đầu tư giá trị bằng 50% giá trị tài sản của tập đoàn hoặc tổng công ty nhà nước theo sổ sách. Ví dụ Vinashin có khoảng 100.000 tỷ đồng vốn, tài sản đăng ký trên sổ sách, chủ tịch HĐQT hoặc tổng giám đốc có quyền quyết định đầu tư đến 50.000 tỷ đồng (trước đây dự án đến 20.000 tỷ đồng, Chính phủ phải trình Quốc hội). Luật sơ hở như vậy, Bộ Kế hoạch-Đầu tư phát hiện và kiến nghị sửa. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, quyền quyết định đầu tư là của doanh nghiệp, việc giám sát đầu tư chỉ thực hiện qua việc giám sát vốn và giám sát hoạt động mà hoạt động đầu tư không thuộc quyền giám sát của Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội): Theo số liệu ban đầu, ước tính dư nợ của Vinashin khoảng 86.000 tỷ đồng. Tuy nhiên có thông tin cho rằng số nợ này là 120.000 tỷ đồng thì bình quân mỗi người dân Việt Nam đanh gánh cho Vinashin khoản nợ khoảng 1,5 triệu đồng.

Phân tích làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và pháp luật ảnh 2
Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tham gia thảo luận tổ

Khi dân có quyền kiện quan

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, Quốc hội cần sớm thông qua Luật Tố tụng hình sự, bởi đó là cơ hội để người dân tiếp cận công lý. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho biết: Ông từng dự một vài phiên tòa hành chính, dân kiện quan là quá khó khăn vì Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát, đại diện cơ quan công quyền về nguyên tắc hoạt động độc lập, nhưng thực tế chỉ độc lập trong lúc xét xử, còn bên ngoài phòng xử, họ có quan hệ với nhau rất tốt nên “Viện kiểm sát, Tòa án hay cơ quan chính quyền thật ra gần như đứng về một phía. Người dân kiện mà chứng minh được việc mình kiện là đúng và cần sửa quyết định hành chính thì quá khó và tỷ lệ thành công rất thấp, kể cả có những vụ phần đúng thuộc về người dân rõ ràng”. Ví dụ, có trường hợp tuyên bác bỏ một quyết định nhưng sau đó lại ra một quyết định tương tự. Hay phát hiện có những vấn đề bất cập nhưng không đưa vào trong bản án, mà lại tách ra một vụ việc khác. Như vậy làm cho quá trình xét xử kéo dài và quyền lợi của người dân bị vi phạm. Luật Tố tụng hành chính cần khắc phục những vấn đề này để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân, nhưng cũng đồng thời không để xảy ra tình trạng người dân lợi dụng “kiện quan”.

Một trong những quy định của dự thảo luật được phần lớn ý kiến tán thành, đó là tổ chức và cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính có thể khởi kiện vụ án hành chính, không yêu cầu cá nhân, tổ chức đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu mới có quyền khởi kiện, ngay cả trong những lĩnh vực đất đai, xây dựng, sở hữu trí tuệ. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng đây là sự đổi mới và chuyển biến căn bản, vì các khiếu kiện hành chính luôn phát sinh từ các lĩnh vực chuyên môn nhất định thuộc chức năng quản lý hành chính. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 103, để bảo vệ quyền lợi của người dân, nên kéo dài thời gian khởi kiện vụ án hành chính lên 2 năm. Vì thực tế hiện có nhiều quyết định hành chính khi ban hành xâm phạm đến lợi ích của công dân, song người dân không biết. Việc kéo dài thời gian khởi kiện giúp giảm án oan sai, không để người dân chịu thiệt thòi.

Cả nước có 8 dự án cho thuê đất trồng rừng

Theo báo cáo của Chính phủ, từ khi dự án trồng rừng đầu tiên được cấp phép (năm 1995), đến ngày 10-8-2010, cả nước có 8 dự án có mục tiêu đầu tư trồng rừng 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép đầu tư (hoặc giấy chứng nhận đầu tư) với tổng vốn đầu tư là 286,090 triệu USD. Trong các dự án này, chỉ có 1 dự án trồng rừng, số còn lại kết hợp mục tiêu trồng rừng và chế biến nguyên liệu giấy, sản xuất gỗ dăm, ván ép… Tổng diện tích đất rừng của các dự án là 288.974,3 ha, trong đó diện  tích được cấp 18.571 ha, diện tích đưa vào sử dụng 15.268 ha.

Báo cáo khẳng định: Sau khi Thủ tướng có chỉ đạo không cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư và không ký hợp đồng cho thuê đất đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, các địa phương thực hiện nghiêm túc, thậm chí “tạm dừng không cho phép doanh nghiệp được trồng rừng trên diện tích có quyết định cho thuê đất và không được phép chăm sóc, bảo vệ đối với diện tích rừng trồng trên diện tích chưa có quyết định cho thuê đất”.

Đến nay, số tiền nộp ngân sách Nhà nước của 8 dự án trồng rừng là 24,65 tỷ đồng, trong đó, riêng dự án trồng rừng tại Bình Định triển khai từ năm 1995 nộp tới 23 tỷ đồng.

Về hướng xử lý thời gian tới, Chính phủ sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2006 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2005 theo hướng quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền, điều kiện và trình tự thủ tục thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng nhiều diện tích đất, dự án trồng rừng. Đặc biệt phải có ý kiến chính thức của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hoặc cơ quan quốc phòng, an ninh địa phương trước khi cấp phép./.

Hoàng Dũng

Đọc thêm