Phận tiều phu thế kỷ 21

Khi bếp ga, bếp điện, lò vi sóng đang ngày càng trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi gia đình thì tại Thôn Pá Nim, Xã Tô Hiệu, Bình Gia, Lạng Sơn vẫn còn những phận người sống lay lắt với nghề hái củi để duy trì ngọn lửa. Và theo cách nguyên thủy ấy, họ là những tiều phu đích thực, những tiều phu của thế kỷ 21.

[links()]Khi bếp ga, bếp điện, lò vi sóng đang ngày càng trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi gia đình thì tại Thôn Pá Nim, Xã Tô Hiệu, Bình Gia, Lạng Sơn vẫn còn những phận người sống lay lắt với nghề hái củi để duy trì ngọn lửa. Và theo cách nguyên thủy ấy, họ là những tiều phu đích thực, những tiều phu của thế kỷ 21.

"Tiều phu" Nguyễn Thanh Kỳ
"Tiều phu" Nguyễn Thanh Kỳ

Lay lắt phận tiều phu

Cơn mưa đầu đông bất chợt rơi phủ trắng cánh rừng, người đàn ông lặng lẽ ngồi trước bậu cửa, đôi mắt thăm thẳm buồn nhìn về phía dãy núi xa xa…

Anh là Nguyễn Thanh Kỳ, sinh năm 1968. Hiện trú tại Thôn Pá Nim, Xã Tô Hiệu, Bình Gia, Lạng Sơn. Sau khi lập gia đình với một người phụ nữ dân tộc Nùng năm 1994, anh Kỳ sống bằng nghề hái củi.

Ngôi nhà của anh Kỳ thấp lè tè, rộng chưa đầy hai mươi mét vuông. Tài sản trong nhà không có thứ gì giá trị ngoài chiếc ti vi 14 inch cũ kỹ.  Bộ ấm chén pha trà cũng cũ và sứt mẻ như một món đồ cổ được khai quật từ thế kỷ trước.

Cầm chén rượu nhạt mời tôi mà tâm trí anh Kỳ như đang để nơi khác. Hôm nay mưa, có nghĩa là anh không lên rừng được, mà không lên rừng thì không có thu nhập. Trong khi cả nhà bốn miệng ăn đều trông chờ vào đôi vai anh.

Mỗi ngày anh Kỳ và vợ lên rừng hái được khoảng một tạ củi, bán với giá 1.300 đ/kg được hơn một trăm ngàn. Ở vùng quê hẻo lánh này, một trăm ngàn có thể sống được nhưng đấy là những ngày nắng ráo, còn những ngày mưa thế này thì không thể. Đã không ít lần anh Kỳ đội mưa đi hái củi, có lần chút nữa mất mạng.

Đường lên núi phải vượt qua nhiều đèo dốc rất cao, lởm chởm đá tai mèo, do ngấm nước nên đá rất trơn, không cẩn thận có thể bị trượt chân lăn xuống núi. Chưa kể, mưa làm những tảng đá trên núi lăn xuống bất ngờ. Người dân ở đây đã chứng kiến không ít vụ người đi hái củi bị đá lăn đè chết hoặc gẫy tay, gẫy chân.

Leo lét ngọn đèn tương lai?

Đã gần đến giờ trưa, vợ anh Kỳ về nhà và mua được 0,5 kg mỡ lợn. Chị rửa sạch thái ra rồi cho lên chảo rán, mỡ được chắt ra cho vào lọ để xào nấu, còn tóp mỡ thì sẽ rang muối làm thức ăn cho bữa trưa. Với gia đình anh, có tóp mỡ ăn là ngon lắm rồi.

Thời buổi lạm phát, giá cả leo thang một cách chóng mặt, cuộc sống của gia đình anh luôn đặt trước những nguy cơ đáng báo động. Ngày trước, giá củi tuy thấp hơn, nhưng củi có nhiều và dễ kiếm nên thu nhập cũng đủ sống. Ngày đó, thị trường còn lớn, nhiều người mua củi. Bây giờ, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, nhiều người đã dùng bếp than tổ ong, hiện đại hơn là bếp ga, bếp điện, lò vi sóng. Khách mua củi chỉ còn lại những quán phở, quán bánh cuốn, hoặc những ngày lễ tết, những đám cưới hỏi cần đun nấu với lượng nhiệt lớn, để tiết kiệm người ta mới tìm đến củi.

Ngày trước, cả thôn Pá Nim có hơn chục hộ sống bằng nghề hái củi, nhưng nay, chỉ còn lại nhà anh Kỳ. Số hộ ấy phần lớn đều có ruộng vườn đầy đủ, họ chỉ đi hái củi vào những lúc nông nhàn, và bây giờ, phần lớn lao động chính trong các gia đình ấy đã đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan và Malaysia.

Uống cạn chén rượu nhạt, anh chỉ tay về phía đống củi ở ngoài sân, đó là thành quả lao động hôm qua của hai vợ chồng. Hôm nay mưa không mang củi đi bán được. Trời mưa, củi ngấm nước nặng cân hơn và đốt khó cháy nên không ai mua, kể cả khách quen. Anh ngao ngán thở dài rồi lại rót rượu.

Hái củi, một công việc có vẻ xa lạ với nhiều người ở thành thị, nhưng nó đang là “nghề” mưu sinh của nhiều hộ gia đình ở miền núi. Trước đây, họ không biết rằng, công việc ấy đang tàn phá môi trường sống. Nó là hậu quả của những đợt hạn hán kéo dài hay những trận đại hồng thủy, cướp đi sinh mạng của biết bao người và khiến nhiều người khác phải sống cảnh “màn trời chiếu đất”, nó phá hỏng hoa màu khiến mùa màng mất trắng.

Họ ít học, sự hiểu biết hạn chế, nhưng ngày nay, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông như báo, đài, ti vi…, họ ít nhiều cũng biết công việc của mình có tác động trực tiếp đến môi trường sống và gây nhiều hậu quả, nhưng họ không thể làm khác được. Dù công cuộc mưu sinh ấy lúc nào cũng nhọc nhằn và cuộc sống của họ leo lét như ngọn đèn trước gió, chẳng biết sẽ tắt lúc nào.

Cách đây gần hai thế kỷ, trong bài thơ Qua đèo ngang, Bà Huyện Thanh Quan đã viết: “Lom khom dưới núi tiều vài chú” mô tả sinh động về nghề hái củi, thì ngày nay, giữa thế kỷ 21 này, khi mà hai chữ “tiều phu” đang dần bị quên lãng bởi cuộc sống hiện đại, vẫn có những người phải chấp nhận sống phận tiều phu, một cuộc sống mà tương lai không có gì hứa hẹn.

 Ngô Bá Hòa

Đọc thêm