Giả danh công an gọi điện lừa đảo hơn 3,3 tỷ đồng

(PLVN) - Bằng cách mạo danh công an ra lệnh bắt khẩn cấp vì hành vi đánh bạc, ma túy, rửa tiền, Phạm Đình Luận cùng đồng bọn ép các nạn nhân chuyển hơn 3,3 tỷ đồng để “phục vụ công tác điều tra”.
Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

8 ngày chiếm đoạt hơn 3,3 tỷ đồng

Ngày 25/4, tại TAND tỉnh Nghệ An, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử các bị cáo Phạm Đình Luận (SN 1993), Nguyễn Hữu Thu (SN 1991), đều trú xã Hương Mỹ, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phiên tòa được mở do có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của hai bị cáo Luận và Thu.

Khoảng tháng 8/2018, Luận nhận được điện thoại của Nguyễn Văn Phi (28 tuổi), anh em họ của vợ Luận, trú huyện Lục Nam (Bắc Giang). Phi nhờ Luận tìm người mở tài khoản ở các ngân hàng và thẻ ATM, hứa trả tiền mỗi thẻ 3 triệu đồng.

Luận tìm được Nguyễn Hữu Thu, Nguyễn Đình Phi (SN 1999) nhờ đến các ngân hàng, mở tổng cộng 15 tài khoản ngân hàng, lấy 15 thẻ ATM. Sau đó, Luận nhờ người gửi sang Đài Loan cho Nguyễn Văn Phi. Luận còn bàn với Thu, Phi làm CMND giả và tiếp tục lập thẻ ngân hàng rồi bán lại cho Nguyễn Văn Phi nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Sau đó, từ Đài Loan, Nguyễn Văn Phi gọi điện thống nhất với Luận, Đình Phi, Thu khi có tiền của người bị hại chuyển vào các tài khoản sẽ đi rút tiền mặt. Nguyễn Văn Phi hứa sẽ cho Luận, Thu, Phạm Đình Phi 20% tổng số tiền chiếm đoạt được.

Trong vòng 8 ngày, các đối tượng đã 5 lần thực hiện hành vi chiếm đoạt của các bị hại ở nhiều tỉnh khác nhau. Tổng số tiền mà các đối tượng thu lợi bất chính khoảng 3,3 tỷ đồng. Trong đó, nạn nhân bị lừa ít nhất cùng gần 170 triệu đồng, còn người bị mất nhiều tiền nhất là bà Bùi Thị Hồng T. (Khánh Hòa) hơn 2,4 tỷ đồng.

Trình bày lại chiêu thức lừa đảo của các đối tượng và việc mình bị lừa, bà Bùi Thị Hồng T. cho hay, sáng 29/8/2018, bà bất ngờ nhận được điện thoại từ số máy lạ. Đầu dây bên kia là giọng một người phụ nữ tự xưng là nhân viên viễn thông, thông báo bà đang nợ gần 9 triệu đồng tiền cước. Bà T. nói không đăng ký điện thoại tại Hà Nội thì người phụ nữ này nói có thể một người nào đó đã sử dụng CMND của bà để gọi sang các nước và sẽ chuyển máy đến công an để khiếu nại.

Sau đó, một nam giới tự xưng là Đại úy công an, cán bộ công an TP Hà Nội thông báo bà T. có liên quan đến vụ án lớn. Số điện thoại của bà được gọi đi nhiều nước, liên quan đến hoạt động mua bán trẻ em, mua bán ma túy và trong tài khoản của bà được chuyển nhiều tỷ đồng liên quan đến những hoạt động này.

“Cán bộ công an” này yêu cầu bà T. không được nói cho ai biết và thành thật trả lời các câu hỏi liên quan đến nhân thân, lai lịch, số tiền trong các sổ tiết kiệm tại ngân hàng. Chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, người phụ nữ này tiếp tục nhận được số điện thoại lạ gọi đến tự xưng là cán bộ tòa án, yêu cầu bà phải chuyển tiền vào các tài khoản được đưa ra.

Liên tiếp bị tấn công dồn dập bởi những số điện thoại của những người liên quan đến pháp luật khiến bà này hoảng sợ. Trưa cùng ngày, bà T. đã ra ngân hàng chuyển hơn 2,4 tỷ đồng cho đối tượng lạ.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào cuối tháng 11/2018, các bị cáo khai toàn bộ các bước gọi điện thoại, lừa các nạn nhân gửi tiền vào thẻ là do Nguyễn Văn Phi thực hiện. Nhóm bị cáo chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo của Phi là rút tiền từ các thẻ ATM ra, gửi cho Phi để hưởng %.

Riêng các bị hại khai rằng không hiểu vì lý do gì đã nghe răm rắp theo mọi sự yêu cầu của các đối tượng. Chỉ đến khi tiền trong tài khoản ngân hàng được chuyển đi sang tài khoản mà các đối tượng cung cấp, họ mới giật mình. Tuy nhiên, lúc này mọi chuyện đã quá muộn.

Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phạm Đình Luận 15 năm tù, Nguyễn Hữu Thu 14 năm tù, Phạm Đình Phi 8 năm tù; buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho các nạn nhân số tiền đã lừa đảo, chiếm đoạt.

2 bị cáo được giảm án

Không đồng tình với bản án sơ thẩm, Phạm Đình Luận và Nguyễn Hữu Thu đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại tòa, Luận trình bày lý do kháng cáo vì gia đình có người thân là liệt sỹ. Sau khi sự việc xảy ra, phía gia đình bị cáo đã bồi thường một phần thiệt hại cho các bị hại. Ngay tại tòa phúc thẩm, dưới sự chứng kiến của HĐXX, người thân của bị cáo Luận đã đền bù số tiền 50 triệu đồng cho các bị hại.

Các bị cáo được giảm án
Các bị cáo được giảm án

Đại diện VKS nhận định hành vi của các bị cáo đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người khác. Tuy nhiên, trong vụ án này, hai bị cáo Luận, Thu là người giúp sức, không phải là chủ mưu của vụ án, không trực tiếp lừa các bị hại nên xét thấy có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Với sự có mặt của đông đảo người dân tại phiên tòa, HĐXX khuyến cáo người dân hãy luôn cảnh giác với những hình thức lừa đảo tinh vi của các đối tượng. Nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, mạo danh cán bộ công an và cơ quan chức năng để ép các nạn nhân chuyển tiền. Đây cũng là bài học cho các bị hại vì sự tin người thái quá, không tỉnh táo để nhận ra sự lừa đảo của các đối tượng.

Xem xét toàn diện vụ án, tòa phúc thẩm quyết định giảm án cho các bị cáo. Tuyên phạt Phạm Đình Luận từ 15 năm tù xuống còn 12 năm tù, Nguyễn Hữu Thu từ 14 năm tù xuống 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đọc thêm