Hủy án sơ thẩm vụ bé gái 13 tuổi bị sát hại

(PLO) - Vừa qua, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Nông Văn Thực (SN 1995, ngụ xã Cư Huê, huyện Ea Kar) và Nông Văn Phóng (SN 1998, ngụ xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ, cùng tỉnh Đắk Lắk) với tội danh “Giết người”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo hồ sơ vụ án, sáng 4/4/2016, Thực chở vợ đi từ thôn Đoàn Kết 2 (xã Cư Huê) đến nhà mẹ vợ ở thôn 1B (xã Ea Siên) rồi để vợ ở lại còn Thực đến nhà Phóng (là em họ) ở thôn 6A (xã Ea Siên) nhậu. Sau đó, Thực chở Phóng đi đếnxã Krông Búk (huyện Krông Pắk) chơi. Đến đoạn đường gần khu vực rẫy cà phê của ông Lăng Văn Trình thuộc thôn Ea Kung thì gặp cháu N.T. T. (SN 2003)  đang trên đường đi học về đi ngược chiều.

Do Thực điều khiển xe máy chạy nhanh và suýt va quệt vào xe cháu T., làm xe của bé gái bị chao đảo. Bực tức cháu T. chửi hai anh em Thực. Thấy cháu T. xinh xắn dễ thương nên Thực và Phóng quay xe lại trêu chọc.

Thực quay xe lại và chạy vượt qua cháu T. khoảng 30m rồi giấu xe vào rẫy cà phê. Sau đó, Thực cầm đoạn cây gỗ giấu sau lưng đi về phía cháu T. và bất ngờ đánh vào đầu cháu T. 1 cái làm cháu ngã xuống đường bất tỉnh.

Thực dùng hai tay xốc nách cháu T. thì thấy trong túi áo khoác của cháu T. có 1 chiếc điện thoại di động nên lấy bỏ vào túi quần rồi nói với Phóng khiêng cháu T vào rẫy cà phê của ông Trình. Tại đây, Thực kéo quần cháu T. xuống định thực hiện hành vi giao cấu thì cháu T. bất ngờ tỉnh dậy chống cự. Sợ cháu T. về nhà sẽ tố cáo hành vi của mình nên Thực tiếp tục dùng cây gỗ đánh liên tiếp vào đầu cháu T. khiến nạn nhân tử vong.

Sau đó, Thực và Phóng chở xác cháu T. đi vứt tại khu vực Cầu Tràn thuộc thôn 6B (xã Ea Siên) rồi cả 2 đi về nhà. Khi về đến nhà, Thực sợ sử dụng điện thoại của cháu T. sẽ bị lộ nên tháo thẻ sim bẻ gãy và bẻ cong điện thoại sau đó cho vào túi ni lông đem đến cầu Suối 2 thuộc thôn 18 (xã Krông Búk, huyện Krông Pắk) vứt.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nông Văn Thực mức án tù chung thân, bị cáo Nông Văn Phóng 12 năm tù (cùng về tội “Giết người”). 

Sau đó,Viện trưởng VKSND Cấp cao Đà Nẵng đã có kháng nghị, đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Tại tòa, đại diện VKSND Cấp cao Đà Nẵng giữ nguyên quan điểm và cho rằng tòa cấp sơ thẩm chưa làm rõ được những mâu thuẫn trong lời khai của các nhân chứng. Đồng thời, xét hậu quả của vụ án là hết sức nghiêm trọng, bị cáo Thực đã dùng khúc gỗ đánh 03 lần vào đầu nạn nhân, lẽ ra phải áp dụng tình tiết tăng nặng “cố ý thực hiện phạm tội đến cùng”, nhưng tòa sơ thẩm lại không xem xét.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Thực khai một mình thực hiện hành vi phạm tội nhưng bị cáo Phóng không thừa nhận hành vi phạm tội. Đây là mâu thuẫn với tài liệu trong giai đoạn đầu quá trình điều tra và mâu thuẫn với lời khai của một số nhân chứng nhưng chưa được làm rõ. Việc tòa sơ thẩm vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho cả hai bị cáo là chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, ngoài hành vi “Giết người”, bị cáo Thực còn lấy chiếc điện thoại trong túi áo khoác của bé T. bỏ vào túi quần đem về nhà. Nhưng vì lo sợ không dám sử dụng nên tháo sim và điện thoại mang đi phi tang. Như vậy, hành vi này có dấu hiệu của tội “Cướp tài sản”, tòa sơ thẩm không xem xét đối với hành vi này của bị cáo là bỏ lọt tội phạm.

Nông Văn Phóng không nhận tội và phủ nhận toàn bộ lời khai tội trong giai đoạn điều tra. Đồng thời, bị cáo Thực cũng khẳng định bị cáo Phóng không tham gia cùng mình. Như vậy, chứng cứ buộc tội “Giết người” đối với bị cáo Phóng chưa vững chắc và đầy đủ, cần điều tra lại.

Tại tòa, cả luật sư bảo vệ cho người bị hại và đại diện hỗ trợ pháp lý đều đồng ý với quan điểm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên bố hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại vụ án.

Đọc thêm