Pháp – Đức kêu gọi sửa đổi Hiệp ước châu Âu

Sau cuộc gặp tại Paris (Pháp) bàn cách đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hôm 5/12, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi hình thành một Hiệp ước Châu Âu mới vào tháng 3/2012, trong đó nổi bật là các điều khoản kiểm soát chặt chẽ hơn thâm hụt ngân sách của các quốc gia thành viên.

 Sau cuộc gặp tại Paris (Pháp) bàn cách đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hôm 5/12, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi hình thành một Hiệp ước Châu Âu mới vào tháng 3/2012, trong đó nổi bật là các điều khoản kiểm soát chặt chẽ hơn thâm hụt ngân sách của các quốc gia thành viên. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại cuộc họp báo chung hôm 5/12 tại Paris. Ảnh: AFP

Trước đông đảo báo giới có mặt tại cuộc họp báo chung, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức cho biết đã trao đổi những vấn đề liên quan tới việc hình thành một hiệp ước mới cho khu vực đồng tiền chung Eurozone và những vấn đề thể chế của Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Sarkozy bình luận: “Thỏa thuận Pháp-Đức là đầy đủ nhất” có thể. Chúng tôi chủ yếu muốn những rối loạn gây ra tình hình hiện nay không thể nảy sinh trong bất kỳ tình huống nào”. Thủ tướng Merkel cũng nói: “Đặc biệt cần phải khôi phục lòng tin” vào các thị trường.

Hai nhà lãnh đạo Pháp – Đức cũng đã cho biết những điểm chính của dự thảo hiệp ước mới. Đại diện hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu tuyên bố ủng hộ việc trừng phạt bất cứ thành viên nào của Eurozone để cho mức thâm hụt ngân sách vượt quá 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước đó. Ngoài ra, các nước thành viên còn phải thể hiện cam kết cân bằng ngân sách bằng những đạo luật trong nước.

Dự thảo hiệp ước mới cho Eurozone có thiên hướng tìm kiếm sự phê chuẩn của tất cả 27 nước thành viên EU. Tuy nhiên, sự thông qua văn bản này có nguy cơ vấp phải sự phản đối của các quốc gia trong EU nhưng không phải là thành viên của Eurozone.

Thủ tướng Anh David Cameron đã cho rằng một hiệp ước châu Âu mới là không cần thiết, thậm chí ông còn tính sẽ phản đối tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels nếu thấy hiệp ước này đi ngược lại với lợi ích của Anh. Để tránh thất bại, hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức đã dự kiến văn bản chỉ cần được thông qua bởi 17 nước thành viên của Eurozone.

Ngoài ra, “tất cả vì một quy tắc vàng… và một quy tắc vàng cho tất cả” cũng là một trong những điểm chính của dự thảo hiệp ước. Nước Đức đã ghi nhận điều này trong Hiến pháp của mình năm 2009, còn Tổng thống Pháp cũng công nhận điều này tồn tại ở Pháp. Hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức đã bảo vệ quy tắc vàng trong cân bằng ngân sách và mong muốn rằng tất cả các nước trong Eurozone ghi nhận nguyên tắc hợp hiến này… nếu có thể.

Một điểm quan trọng nữa trong dự thảo hiệp ước là cơ quan được đề xuất có thẩm quyền xác nhận sự tuân thủ điều khoản về thâm hụt ngân sách của các quốc gia thành viên là Tòa án Công lý châu Âu (ECJ). Tuy nhiên, ECJ chỉ có thể kiểm soát “tính phù hợp” của điều khoản này với các hiệp định. Và chưa rõ quyền kiểm soát ngân sách quốc gia có thể thuộc về Ủy ban châu Âu hay không.

Những chi tiết của bản dự thảo sẽ được gửi tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy – người sẽ trình văn bản này lên các nhà lãnh đạo EU tại Hội nghị thượng đỉnh vào tối 8/12 tại Brussels.

Theo hiến pháp một số nước thành viên EU, các nước này sẽ phải tổ chức trưng cầu ý dân về bất cứ nội dung mới nào mà Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Đức Merkel đề xuất và quy trình này có thể trì hoãn việc thực thi các điều khoản mới nếu chúng được thông qua ở Hội nghị thượng đỉnh EU.

Quang Minh (theo AFP, BBC, Figaro)

Đọc thêm