Pháp luật 'gác cổng' cho quá trình hội nhập văn hóa

(PLVN) - Xu thế hội nhập toàn cầu trong những thập kỷ qua đã tạo tiền đề, cơ hội cho Việt Nam giao lưu với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, đồng thời quảng bá sâu rộng về những nét đẹp của văn hóa nước mình cho bạn bè quốc tế. “Dẫn đường” cho quá trình này chính là những chủ trương, tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa. Trên cơ sở đó, Nhà nước chủ động ban hành các chính sách, pháp luật về giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa.
Đáng lo ngại, nhiều người trẻ bị “cuồng” nghệ sĩ ngoại quá mức nhưng lại thờ ơ với văn hóa dân tộc. (Ảnh: Dân trí)

Nhận thức rõ tính tất yếu và tính hai mặt

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, PGS.TS Phan Trọng Thưởng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã nêu nhận định về thực tiễn văn hóa, văn học, nghệ thuật trong tiến trình giao lưu và hội nhập quốc tế trong một bài tham luận như sau: “Quá trình hội nhập còn làm nảy sinh những nghịch lý ở chỗ nó không chỉ tạo ra cho sự phát triển văn hóa mỗi nước những thời cơ thuận lợi mà còn ẩn chứa ngay trong nó những nguy cơ lớn”.

Một mặt, trong tiến trình giao lưu và hội nhập quốc tế, văn hóa mỗi nước có dịp được trao đổi, chọn lọc, tiếp thu những giá trị mới, tích cực, tiến bộ từ các nước khác để làm phong phú, đa dạng thêm cho nền văn hóa nước mình. Quá trình đó sẽ dẫn các quốc gia “gặp gỡ nhau ở những giá trị nhân bản, chân chính với tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu dân tộc và hiện đại”. Ở mặt ngược lại, PGS.TS Phan Trọng Thưởng cũng chỉ ra một số nguy cơ trong quá trình này, đặc biệt chính là “sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống trước sự du nhập, tấn công của các yếu tố văn hóa mới lạ từ bên ngoài vào; sự hòa tan bản sắc riêng độc đáo vốn có của mỗi nền văn hóa thành một sản phẩm lai tạp, hỗn loạn, không còn có cơ sở để nhận diện, mất đi những yếu tố làm nên căn cước văn hóa của mỗi dân tộc”.

Sức ảnh hưởng của hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực hoạt động văn hóa trong thời kỳ đổi mới vừa qua cho thấy ý thức chủ động, tích cực của nước ta trong quá trình giao lưu và hội nhập. Theo đó, ngành Văn hóa nước nhà đã tận dụng nhiều cơ hội thuận lợi để giới thiệu nền văn hóa đặc sắc của dân tộc tới nhiều nước khác nhau trên thế giới và ngược lại. Cụ thể, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định, chương trình giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước trên nguyên tắc tin cậy, tăng cường hiểu biết văn hóa của nhau, tuân thủ pháp luật của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, công nhận toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bầu trời, biển đảo và chế độ chính trị xã hội. Thông qua các hiệp định, chương trình văn hóa, Việt Nam đã tổ chức Ngày văn hóa, Tuần văn hóa, Lễ hội văn hóa - du lịch Việt Nam… ở nhiều nước nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, nhiều nước trên thế giới cũng đã chủ động tổ chức Ngày văn hóa, Tuần văn hóa của nước họ ở Việt Nam, nhằm tăng cường sự hiểu biết về văn hóa, đất nước, con người của nhau.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin, khoa học và công nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0, trình độ sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân ta đã có nhiều cải thiện đáng kể. Dễ thấy nhất là trong tất cả các lĩnh vực văn hóa như: âm nhạc, điện ảnh, thời trang, phát thanh - truyền hình, sách báo… đều đang chuyển đổi số một cách sâu rộng và toàn diện để nhân dân dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, thông qua các nền tảng số, nhân dân Việt Nam cũng có thể chủ động tìm hiểu, tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới để làm giàu thêm đời sống văn hóa, tinh thần.

Song, đi kèm với những cơ hội là rất nhiều bất cập trong xã hội, cùng với nhiều thách thức, vấn đề đặt ra cho những người quản lý văn hóa. PGS.TS. Phan Trọng Thưởng nhận định, đó là “các dấu hiệu thiên về du nhập hơn là hội nhập”. Minh chứng tiêu biểu trong lĩnh vực âm nhạc là tình trạng hâm mộ mù quáng của một bộ phận giới trẻ. Họ chạy theo nhạc nước ngoài như một “mốt” thời thượng, đến mức không cần hoặc không biết đến những giá trị âm nhạc trong sáng của dân tộc, thậm chí coi thường nó. Cũng theo PGS.TS Phan Trọng Thưởng, đây “có thể được xem là sự “què quặt” của thị hiếu âm nhạc.

Một thực trạng đáng buồn khác trong nghệ thuật sân khấu là phần lớn thế hệ thanh, thiếu niên có xu hướng quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống, coi đó là cổ hủ, lỗi thời. Nguy hiểm hơn nữa là tình trạng một số đoàn nghệ thuật, một số nghệ sĩ, hoặc vô tình hoặc hữu ý, cố gắng “đổi mới để cải biến nghệ thuật dân tộc thành một thứ nghệ thuật lai căng, chứng minh những thị hiếu thấp kém, làm mai một truyền thống nghệ thuật, truyền thống văn hóa đẹp đẽ của cha ông”.

Như vậy, nếu không gìn giữ bản sắc truyền thống trong tiến trình hội nhập quốc tế sẽ dẫn đến các hậu quả; văn hóa dân tộc không được bảo lưu và phát huy; bị lu mờ, mai một bởi văn hóa ngoại nhập; người dân bị mất gốc về văn hóa, mất khả năng cảm nhận nét đẹp của văn hóa truyền thống, nghèo nàn về đời sống tinh thần…

Tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại

Nhận thức rõ tính tất yếu và tính hai mặt của quá trình hội nhập, Đảng ta đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng về văn hóa. Tiêu biểu là Nghị quyết số 03- NQ/TW ngày 16/7/1998 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đáng nói, trước năm 2013, trong các văn kiện của Đảng mới nói đến hội nhập kinh tế quốc tế, còn đối với văn hóa, các văn kiện dùng cụm từ giao lưu, hợp tác văn hóa với nước ngoài.

Đến khi Bộ Chính trị khóa XI ra Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 về hội nhập quốc tế, đã đề cập đến việc hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực, nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội; hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước”. Tiếp theo đó, năm 2014, Đảng ta ban hành Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, chính thức đưa ra nhiệm vụ “Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.

Những chủ trương, tư tưởng chỉ đạo nêu trên của Đảng là cơ sở để Nhà nước chủ động ban hành các chính sách, pháp luật về giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, phù hợp với điều kiện của đất nước cũng như với các xu hướng trên thế giới. Ngay sau khi Đảng có chủ trương chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ký các văn bản pháp lý quan trọng. Tiêu biểu như: Quyết định số 1984/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án cung ứng dịch vụ phát thanh - truyền hình qua mạng Internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2015 - 2020 (31/10/2014); Quyết định số 210/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (8/2/2015); Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (08/09/2016)… Gần đây nhất là Quyết định số 1909/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (12/11/2021).

Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực văn hoá trong bối cảnh hội nhập là nhiệm vụ quan trọng của ngành Văn hoá và cũng là yêu cầu cấp thiết của thực tế. Pháp luật vừa là công cụ góp phần thúc đẩy quá trình chủ động tiếp thu, chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; vừa “gác cổng” cho nền văn hoá nước nhà khỏi sự xâm nhập của những văn hoá phẩm độc hại, phản động, không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc, đe doạ đến đời sống xã hội và đất nước.