Pháp luật nghiêm minh sao có những chuyện này !

(PLO) - Gần đây, tần suất từ “côn đồ” xuất hiện nhiều trên báo chí, phản ảnh một thực trạng hành vi coi thường pháp luật này đang lộng hành trong xã hội chúng ta.
Đêm 27/8, hàng chục nam thanh niên lao vào truy sát nhóm khách 20 người đang ngồi trong quán nhậu ở khu vực cầu Tó, Thanh Trì, Hà Nội. (Ảnh internet)
Đêm 27/8, hàng chục nam thanh niên lao vào truy sát nhóm khách 20 người đang ngồi trong quán nhậu ở khu vực cầu Tó, Thanh Trì, Hà Nội. (Ảnh internet)

Phổ biến nhất là việc đòi nợ bằng hành vi côn đồ, kể cả đòi nợ thuê hay chính chủ nợ ra tay, ngoài việc gây thương tích, đập phá đồ đạc thì án mạng hoặc đe dọa bắt cóc đã xảy ra. Tuy nhiên, nhà chức trách địa phương coi là giải quyết “trong nội bộ nhân dân” không can thiệp hoặc can thiệp không kịp thời, thậm chí có trường hợp còn làm ngơ, vì thế, thói côn đồ càng lộng hành hơn.

Đáng chú ý là việc hành xử theo lối côn đồ, bất chấp luật pháp mới xảy ra tại Hà Nội gần đây gây bất bình dư luận. Đó là việc Công ty HUDS cho nhân viên của mình đến “thu hồi” địa điểm của một siêu thị tại Định Công (Báo Pháp luật Plus đã phản ảnh vụ việc này).

Họ đánh người, ngang nhiên thu tất cả hàng hóa của các ki-ốt đang bán hàng tại đây mang đi. Một hành vi như vậy diễn ra trước mắt các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, giữa “thanh thiên bạch nhật” mà không vấp phải một sự cản trở nào, giữa một Thủ đô văn minh thì đúng là không thể tưởng tượng nổi và cũng không chấp nhận nổi. Có ý kiến của một luật sư là cần phải khởi tố vụ hành xử theo kiểu giang hồ này.

Tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), một nhóm côn đồ mang hung khí, đi xe ô tô 7 chỗ đến nhà dân (chủ một hiệu tạp hóa) gây thương tích cho chủ hiệu, đập phá đồ đạc rồi bỏ đi. Đáng quan tâm và cần làm rõ mọi việc là nạn nhân trong vụ này là công dân đã tố cáo việc gây ô nhiễm môi trường của một doanh nghiệp trên địa bàn và anh này cũng từng bị chủ doanh nghiệp đó đe dọa khi cùng Đoàn kiểm tra đến xem xét hiện trường gây ô nhiễm.

Trước đây, hiện tượng doanh nghiệp thuê côn đồ đến xử dân ở những nơi xảy ra tranh chấp việc đền bù, giải phóng mặt bằng, gây ô nhiễm,... thường xảy ra. Hiện tượng này bị các cơ quan truyền thông phanh phui, lên án nhiều, chính quyền buộc phải vào cuộc và đến nay hiện tượng đó đã giảm thiểu đáng kể vì chân tướng kẻ đứng sau bại lộ.

Nay, dùng côn đồ để bịt miệng, đe dọa người tố cáo, theo kiểu “ném đá giấu tay” có vẻ lại thịnh hành hơn. Những hành vi này được dung túng thì rõ ràng là tạo đất sống cho lực lượng giang hồ, xã hội đen. Điều này lý giải vì sao trong xã hội chúng ta vẫn tồn tại những kẻ côn đồ chuyên nghiệp, sống bằng nghề này từ việc đi đòi nợ thuê đến dằn mặt người tố cáo, từ việc bảo kê tệ nạn đến bảo vệ cho doanh nghiệp làm càn.

Pháp luật nghiêm minh thì không thể để cho các hành vi côn đồ, cách hành xử theo kiểu xã hội đen tiếp diễn và tái diễn. Không chỉ xử nghiêm những kẻ côn đồ gây ra những hành vi vi phạm pháp luật, làm mất trật tự an ninh xã hội và đe dọa sự an toàn của cuộc sống người dân mà phải xử lý những người đứng sau nó, thuê nó và tạo cho nó đất sống./.

Đọc thêm