Tổng thống Pháp Francois Hollande đã buộc phải lựa chọn phương cách “chạy trốn về phía trước” để hạn chế tác động tai hại từ những bê bối và tai tiếng liên quan đến thành viên nội các trốn thuế bằng cách gửi tiền tại tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.
|
Tổng thống Pháp Francois Hollande |
Sau bộ trưởng ngân sách Jerome Cahuzac đã phải từ chức đến lượt đương kim bộ trưởng ngoại giao Laurent Fabius bị báo chí cáo buộc có tiền gửi tại tài khoản ngân hàng ở nước ngoài như ông Cahuzac. Đương nhiên là ông Hollande phải tỏ ra không hề hay biết gì về hành vi gian trá của thuộc cấp, phải thể hiện thái độ phẫn nộ và bực bội, phải mạnh mẽ lên án và kịch liệt phản đối. Có như thế mới hạn chế được nguy cơ bị vạ lây đến mức mất quyền.
Và ông Hollande cũng ý thức được rằng đã đến lúc phải dùng luật để khép các cộng sự của mình và chính khách ở Pháp vào khuôn phép đạo đức và văn hóa chính trị. Quyết định của ông Hollande buộc tất cả các thành viên chính phủ phải công khai tài sản và chuẩn bị có những dự án luật mới về chống tham nhũng và trốn thuế xuất xứ từ nhu cầu và bối cảnh ấy.
Trong thực chất, đó là bước chuyển từ đức trị sang pháp trị. Khi thành lập chính phủ, ông Hollande chủ xướng cái gọi là “Hiến chương đạo đức” với mục đích đề cao trách nhiệm về đạo đức và văn hóa chính trị của nội các mới, thể hiện sự khác biệt so với chính phủ tiền nhiệm và nâng tính trong sạch cũng như minh bạch lên thành bản sắc đặc thù cho thời kỳ cầm quyền của mình.
Những vụ bê bối và tai tiếng hiện tại cũng như những biện pháp chính sách mới biểu tượng cho sự phá sản của chủ trương đức trị và sự khởi đầu của thời kỳ pháp trị ở đất nước này. Phải dùng đến luật lệ để chấn chỉnh có nghĩa là cái đạo đức và văn hóa chính trị kia đã bị suy đồi nghiêm trọng. Phải dùng luật để trong sạch hóa chính trường thì cái chính trường ấy đã bị tha hóa rất đáng kể rồi. Đến mức phải dùng pháp trị thay đức trị thì thật đáng buồn và đáng phải suy ngẫm lắm đấy.
Thiên Lang