Phát động chiến dịch phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6

Ngày 25-8-2010, UBND tỉnh có Công điện số 13/CĐ - UBND gửi Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo phát động chiến dịch phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6. Nội dung Công điện như sau:

Ngày 25-8-2010, UBND tỉnh có Công điện số 13/CĐ - UBND gửi Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo phát động chiến dịch phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6. Nội dung Công điện như sau:

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay trên lúa mùa đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 phân bố diện rộng trên phạm vi toàn tỉnh với mật độ rất cao; thời tiết thuận lợi cho sâu phát sinh và gây hại; mật độ phổ biến 150-200 trứng/m2, cao 700-1000 trứng/m2, cá biệt có nơi 1500-2000 trứng/m2; mật độ trứng còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Sâu non bắt đầu nở và sẽ nở rộ từ ngày 28-8 đến 5-9. Đây là lứa sâu có mật độ cao gấp 3-4 lần trung bình nhiều năm sẽ gây hại bộ lá đòng; nếu không được phun trừ kịp thời sẽ bùng phát thành dịch và ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Bệnh lùn sọc đen phát sinh gây hại tại các huyện Giao Thuỷ, Trực Ninh, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu; diện tích nhiễm là 524ha (tỷ lệ trung bình < 1%).

Để chủ động phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả, đảm bảo thắng lợi sản xuất lúa mùa, UBND tỉnh điện: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện tốt những việc sau:

1. Phát động chiến dịch phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 tập trung từ ngày 29-8 đến 5-9 kết hợp với trừ rầy lứa 5 và bệnh khô vằn hại lúa. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ nông dân tự kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phun trừ kịp thời theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc, đúng cách).

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến của sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 và bệnh lùn sọc đen. Hướng dẫn và thông báo kịp thời, đảm bảo sự thống nhất đồng bộ từ tỉnh, huyện đến cơ sở nhằm đạt hiệu quả phòng trừ cao.

- Phối hợp với các ngành: Quản lý thị trường, Công an tăng cường kiểm soát việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tăng giá, bán thuốc giả, thuốc kém phẩm chất, không đúng chủng loại, tự ý tuyên truyền, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không đúng với hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành.

3. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định tăng cường đưa tin, bài tuyên truyền để nông dân thấy rõ tầm quan trọng đặc biệt của đợt phòng trừ này.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ngành có liên quan thực hiện tốt Công điện này, thường xuyên báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)./.

Đọc thêm