Chỉ mất chưa đầy 30 giây, bộ test sẽ cho biết mẫu thực phẩm của gia đình bạn có chứa chất bảo quản hay không?
Bộ test dùng để phát hiện chất bảo quản thực phẩm này do các nhà khoa học thuộc Viện Kỹ thuật hóa sinh và tài liệu nghiệp vụ (Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Công an) nghiên cứu sản xuất.
Có thể áp que thử lên bề mặt thực phẩm để kiểm tra sự có mặt của chất bảo quản (Ảnh: Như Ý) |
TS. Thượng tá Lê Trong Văn, tác giả đề tài cho biết bộ test thử phát hiện nhanh SO2 trong thực phẩm được nhóm nghiêm cứu đặt ra từ giữa năm 2009. Chỉ cần lấy khoảng 5 -10g thực phẩm, cắt nhỏ, cho vào cốc đựng mẫu, bổ sung thêm 5 ml nước sạch cho vừa ướt đẫm mẫu, dầm nhỏ.
Để yên trong 5 phút, lấy phần dịch để kiểm tra. Sau đó lấy phần giấy thử nhúng vào dung dịch mẫu trong 5 giây, sao cho phần giấy thử ướt đều, lấy ra để khô trong 30 giây. Đơn giản hơn, có thể áp que thử lên bề mặt thực phẩm để giấy thử đủ ướt. Nếu giấy thử không chuyển màu, chứng tỏ thực phẩm không sử dụng chất bảo quản, ngược lại nếu giấy thử chuyển mầu khác với mầu ban đầu trên test thử, chứng tỏ mẫu thực phẩm có chất bảo quản SO2.
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết chất SO2 được dùng để kéo dài thời gian bảo quản và chống vi khuẩn xâm nhập. Người ta dùng SO2 dưới dạng hợp chất khác để hòa vào nước sau đó nhúng thịt vào.
Theo ông Thịnh, việc dùng SO2 sẽ làm mất mùi ôi của thịt chứ không biến thịt ôi thành tươi được. SO2 là chất độc, nếu còn dư lượng trong thực phẩm thì rất dễ gây ngộ độc, khi xâm nhập vào đường tiêu hóa sẽ gây buồn nôn, nhức đầu và gây viêm niêm mạc. Nếu người tiêu dùng ăn phải sản phẩm có tồn dư chất này, SO2 sẽ phản ứng ô xy hóa với các chất trong cơ thể và gây độc. SO2 bị cấm dùng với trẻ em.
Song TS Thịnh không loại bỏ khả năng nhiều người vẫn dùng SO2 để xông bề mặt thịt. SO2 bám vào thịt sẽ gây nhiễm độc, nhất là với thịt sống vì nó có tính ô xy hóa mạnh, khi vào đường ruột sẽ gây loét, thủng ruột, vào mắt thì mờ mắt…
Nguồn: Đất Việt