Phát hiện sửng sốt từ những dự án “rùa bò”

Trong lúc bất động sản đóng băng, nhất là phân khúc chung cư- giao dịch gần như bất động- không ít nhà đầu tư “ai oán” các chủ đầu tư những dự án chung cư có tiến độ “rùa bò” bởi nếu đúng tiến độ thì họ đã không bị đẩy vào cảnh bi thương như hiện nay. Thị trường đã xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền, một số dự án chủ đầu tư rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản...

Trong lúc bất động sản đóng băng, nhất là phân khúc chung cư- giao dịch gần như bất động- không ít nhà đầu tư “ai oán” các chủ đầu tư những dự án chung cư có tiến độ “rùa bò” bởi nếu đúng tiến độ thì họ đã không bị đẩy vào cảnh bi thương như hiện nay. Thị trường đã xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền, một số dự án chủ đầu tư rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản.

Khi dự án "lùi" vô thời hạn

Năm 2010, Công ty Cổ phần đầu tư tài chính và dịch vụ bất động sản Nam Phương (Cty Nam Phương) quảng bá rầm rộ về dự án Mê Kông Plaza nằm ở huyện Hoài Đức- Hà Nội (do Công ty Cổ phần bất động sản Mê Kông làm chủ đầu tư).

a
Phối cảnh dự án Mekong Palza

 Thông tin mà công ty Nam Phương “chào” khách hàng cho biết đây là dự án nằm trong Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn- Feleximco. Thiết kế gồm 2 toà tháp cao 34 tầng, với 02 tầng hầm, 5 tầng thương mại văn phòng và 29 tầng căn hộ cao cấp.

Ông Bùi Duy Nam ở Đại Kim- Hoàng Mai- Hà Nội cho biết, tháng 5/2010, ông đã ký hợp đồng hợp tác đồng ý cho Công ty Nam Phương vay hơn 302 triệu để được hưởng quyền mua căn hộ số 4, tầng 16, khối A của dự án Mê Kông Plaza.

 Ngoài số tiền theo hợp đồng nói trên, Cty Nam Phương còn nhận thêm 187 triệu (tiền chênh lệch) khi ông Nam mua căn hộ.

Thời hạn vay theo hợp đồng là 9 tháng. Tháng 6/2010, ông Nam nhận được công văn của Cty Nam Phương cho biết sẽ lùi thời hạn mua căn hộ từ tháng 7 đến tháng 10/2010.

Ngày 30/11/2010 công ty Nam Phương lại đề nghị ông Nam gia hạn hợp đồng hợp tác vay vốn thêm 06 tháng nữa.

Đến tháng 5/2011, thời hạn hợp đồng vay vốn đã hết, nhưng Công ty Nam Phương vẫn không thực hiện quyền mua nhà cho khách hàng.

Lý do mà phía công ty Nam Phương đưa ra cho khách hàng là do dự án kéo dài hơn so với dự kiến.

Trong khi khách hàng hết sức bức xúc yêu cầu công ty phải có trách nhiệm trả lại tiền vay cùng với lãi suất và cả tiền vênh thì Công ty Nam Phương lại cho rằng “đây là những lý do khách quan đến từ chủ đầu tư”.

Tiền vênh: bắc thang lên đợi…ông giời?

Trong đơn gửi đến Pháp Luật Việt Nam, ông Bùi Duy Nam, cho biết do thời hạn hợp đồng vay vốn đã hết, nhưng Cty Nam Phương vẫn không thực hiện quyền mua nhà cho khách hàng, buộc ông Nam phải thực hiện việc yêu cầu Cty Nam Phương thanh toán các khoản tiền đã đóng (kể cả tiền chênh lệch và lãi suất).

Song ông Đặng Đình Cường, Phó chủ tịch HĐQT Cty Nam Phương nói rằng “ông Nam không biết thông cảm”, bởi hiện tại công ty đang cực kỳ khó khăn. Ông Cường cũng cho biết phía Cty Nam Phương đồng ý trả lại tiền, nhưng phần tiền lãi “chờ đến khi ông Mẫn chuyển đến” sẽ thanh toán nốt cho ông Nam.

Theo tài liệu mà ông  Nam cung cấp, để có “quyền” bán căn hộ thuộc dự án Mê Kông Plaza, thì Cty Nam Phương trước đó được ông Phạm Công Mẫn uỷ quyền tìm khách hàng. Ông Mẫn là người có hợp tác (cho chủ đầu tư dự án vay vốn) với dự án Mê Kông Plaza.

Ông Nam kiên quyết: một khi tiền lãi chưa nhận được thì sẽ không thanh lý hợp đồng. Và khẳng định lý do “chờ tiền của ông Mẫn” như cách nói của ông Cường là không hợp lý, bởi khách hàng ký hợp đồng mua căn hộ từ Cty Nam Phương chứ không liên quan đến ông Mẫn.

Hiện ông Nam đã gửi hồ sơ khởi kiện ra toà án.

Chưa biết rồi sau đây vụ việc sẽ được giải quyết ra sao song cái thiệt của các nhà đầu tư nhỡ bỏ tiền vào các “dự án rùa bò” đã quá rõ.

Các luật sư và cơ quan chức năng sẽ nói gì về hiện tượng dự án “rùa bỏ” này?

Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới bạn đọc.

Như Trang

Đọc thêm