Phát huy các sáng kiến trong xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật

(PLVN) -Chiều 25/11, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Toạ đàm “Tăng cường xã hội hoá trong công tác PBGDPL hiện nay”.
Phát huy các sáng kiến trong xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật

Tham dự Toạ đàm có TS. Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp; ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI.

Nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL

Bà Ngô Quỳnh Hoa cho biết, chủ trương huy động, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia PBGDPL là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, coi đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL. Do đó, trong thời gian qua, việc huy động các nguồn lực đã từng bước nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Trong đó, có nhiều hình thức huy động nguồn lực tham gia PBGDPL trong xã hội phong phú như hỗ trợ giải thưởng, kinh phí tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; các hoạt động PBGDPL dưới hình thức sân khấu hoá, trên các phương tiện thông tin đại chúng… Bên cạnh đó, một số địa phương đã có mô hình xã hội hóa hoạt động PBGDPL được áp dụng như: “Quán cà phê với pháp luật”, “100 ly cà phê miễn phí”, Tủ sách pháp luật cộng đồng…

Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp.

Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp.

Để thu hút các nguồn lực tham gia công tác PBGDPL trong thời gian tới, bà Ngô Quỳnh Hoa chia sẻ, cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội; rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường xã hội hóa công tác PBGDPL. Quan trọng là, các cơ quan Tư pháp cần tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong huy động các tổ chức, cá nhân tham gia PBGDPL; phát huy các sáng kiến trong việc triển khai, xây dựng và phát triển các mô hình PBGDPL, tạo thành phong trào xã hội rộng lớn để tổ chức thực hiện với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Phát huy vai trò của các tổ chức hành nghề luật

Để nâng cao việc thực hiện nhiệm vụ PBGDPL cho người dân, ông Đỗ Ngọc Thịnh chia sẻ, trong thời gian qua, Liên đoàn Luật sư đều tổng kết, khen thưởng luật sư thực hiện nghiêm quy định của Luật Luật sư về tham gia trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật; các đoàn luật sư chủ động tự tuyên truyền, phổ biến về các Luật mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung gần gũi với người dân như Luật Đất đai, Luật Nhà ở…

TS. Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

TS. Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Trong thời gian tới, Liên đoàn sẽ giám sát hành nghề luật sư để luật sư làm trọn bổn phận của mình với xã hội. Đồng thời, Liên đoàn cũng sẽ giám sát việc thực hiện quy định bắt buộc trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, Liên đoàn tích cực hưởng ứng các phong trào của Nhà nước, của Bộ Tư pháp, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, ban, ngành để tuyên truyền pháp luật cho người dân và xã hội. Đồng thời, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao vị thế của luật sư trong xã hội cho những luật sư có đóng góp cho cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức, bổn phận, vai trò của luật sư trong xã hội.

Ông Đậu Anh Tuấn quan niệm phải làm sao để pháp luật là nhu cầu, lợi ích của doanh nghiệp, cung cấp những thông tin cần thiết để doanh nghiệp tiếp cận. Với những doanh nghiệp lớn thì họ có thể chọn những luật sư hàng đầu ở Việt Nam và thế giới, nhưng với những doanh nghiệp nhỏ, mới gia nhập thị trường thì nên chăng có luật sư công để hỗ trợ, tư vấn, kết nối với doanh nghiệp. Theo ông Đậu Anh Tuấn, quá trình mở cửa là giai đoạn quan trọng để doanh nghiệp tự chuẩn bị hành trang của mình, vì vậy phải tìm được luật sư phù hợp, tìm hiểu sâu, kỹ lưỡng bản chất các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp gặp phải để tránh được những sai lầm của các doanh nghiệp đi trước.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI.

Theo ông Tuấn, VCCI sẽ lồng ghép hoạt động tuyên truyền pháp luật, xây dựng pháp luật với lấy ý kiến của doanh nghiệp đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là những đạo luật, quy định quan trọng như thuế, đất đai. Đồng thời, thông qua cổng thông tin của VCCI, các fanpage trên Facebook, Zalo để giới thiệu, tuyên truyền những quy định mới. Ngoài ra, có thể tham khảo mô hình sinh hoạt “cà phê doanh nghiệp” bởi những buổi nói chuyện thân thiện như vậy rất bổ ích, giúp đưa pháp luật đến với doanh nghiệp.

Đọc thêm