Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn

Cùng với hoạt động của thanh tra Nhà nước, hoạt động thanh tra nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, trong việc phòng ngừa, phát hiện, kiến nghị xử lý những sai phạm, tiêu cực ngay tại cơ sở... Thực tế hoạt động của một số Ban Thanh tra nhân dân (TTND) xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã làm rõ hơn kết quả này...

Cùng với hoạt động của thanh tra Nhà nước, hoạt động thanh tra nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, trong việc phòng ngừa, phát hiện, kiến nghị xử lý những sai phạm, tiêu cực ngay tại cơ sở... Thực tế hoạt động của một số Ban Thanh tra nhân dân (TTND) xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã làm rõ hơn kết quả này...

Thanh tra nhân dân xã Đại An (Vụ Bản) phối hợp với các bộ phận chức năng địa phương triển khai kế hoạch công tác.
Ảnh: Xuân Thu

Xã Yên Lương (Ý Yên) có hơn 7000 khẩu với 13 thôn, xóm. Thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển nông thôn, những năm qua, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh. Nếu không thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, việc vi phạm, tiêu cực sẽ rất dễ nảy sinh. Được nhân dân tín nhiệm, bầu làm đại diện thực hiện chức năng thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách ở cơ sở, từ nhiều nhiệm kỳ qua, Ban TTND xã Yên Lương gồm 7 thành viên luôn phát huy tinh thần trách nhiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ông Dương Thế Đính, Trưởng Ban TTND xã cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ cần phải ổn định được tổ chức, do vậy, Ban TTND xã luôn coi trọng công tác này. Mỗi nhiệm kỳ, Ban TTND xã đều xây dựng quy chế hoạt động, phân công địa bàn phụ trách cho các thành viên. Những nhiệm kỳ qua, bám sát nghị quyết của Đảng uỷ, HĐND, các quyết định của UBND, chương trình hành động của MTTQ xã, Ban TTND xã triển khai giám sát mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân ở địa phương trong việc thực thi chính sách, pháp luật, các quy định của địa phương. Khi xã triển khai xây dựng một số công trình trọng điểm, cần có sự đóng góp của nhân dân, Ban TTND xã tích cực giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, tạo điều kiện cho nhân dân ở các khu dân cư được tham gia, đóng góp ý kiến trong đó mọi khoản đóng góp, thu chi được công khai minh bạch. Quá trình các đơn vị thi công, các thành viên trong ban luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, bám sát công trình, yêu cầu các đơn vị thi công đảm bảo đúng thiết kế, chất lượng, tiến độ, qua đó đảm bảo tiền đóng góp của nhân dân được sử dụng đúng mục đích. Đến nay, nhiều công trình trọng điểm của xã, trong đó có 8 phòng học chức năng của trường THCS, 2 trường mầm non, hơn 30 km đường trục giao thông của xã và các đường dong ngõ xóm, hệ thống kênh tưới, hệ thống nhà văn hoá xóm... đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ cho các hoạt động sản xuất và dân sinh. Kết quả tham gia kiểm tra, giám sát của Ban TTND xã đã góp phần giữ vững sự ổn định của địa phương. Trong 5 năm trở lại đây, xã Yên Lương không có những vụ việc "nổi cộm" không có khiếu kiện vượt cấp đông người mà khối đại đoàn kết trong đảng bộ, trong nhân dân được tăng cường, cán bộ, nhân dân cùng "chung sức chung lòng" thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Ở xã Giao Tiến (Giao Thuỷ) có gần 20 nghìn hộ, đông nhất tỉnh, hoạt động của Ban TTND xã cũng đang mang lại những hiệu quả tích cực. Ông Vũ Long Vân, Trưởng Ban TTND xã cho biết, ban có 11 thành viên, đều là những người có uy tín, có kiến thức, hiểu biết pháp luật, có kỹ năng dân vận. Xác định rõ mục đích chính của hoạt động TTND là phòng ngừa những sai phạm, tiêu cực, do vậy công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, Ban TTND xã luôn duy trì phối hợp với các đoàn thể của xã, ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân địa phương chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của đảng,  chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thời điểm những năm 2000, xã Giao Tiến để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Ban TTND xã đã chủ động gặp gỡ các "đầu đơn", bằng phương châm đối thoại, trao đổi, các thành viên trong ban đã giúp cho những người tham gia khiếu kiện trái pháp luật hiểu rõ quyền và nghĩa vụ công dân, hiểu rõ các nguyên tắc dân chủ, từ đó chấm dứt việc khiếu kiện trái pháp luật... Thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe phản ánh của nhân dân, Ban TTND xã đã phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời một số vụ việc vi phạm chính sách của Nhà nước. Trong đó đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời một cá nhân làm giả hồ sơ để hưởng các chế độ của người có công; phát hiện sai phạm trong quản lý, sử dụng đất canh tác ở xóm 6, kiến nghị thu hồi 1,4 mẫu đất, gần 3000 m2 đất bị một số hộ lấn chiếm trái phép... Là một xã đông dân, khối lượng công việc hàng ngày của cán bộ, công chức xã rất lớn, đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời phải có ý thức, tinh thần phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, trước đây một số cán bộ, công chức xã có biểu hiện quan liêu, ý thức phục vụ nhân dân kém, kết quả quản lý Nhà nước ở các lĩnh vực đất đai, môi trường, giao thông, thuỷ lợi còn bị buông lỏng. Ban TTND  xã đã mạnh dạn kiến nghị cấp uỷ, chính quyền có biện pháp xử lý, thay thế, qua đó hiệu quả công tác, tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức xã có nhiều chuyển biến tích cực. Như nhiều địa phương khác, những năm gần đây, xã Giao Tiến đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Tổng số tiền đầu tư lên đến 15 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn đóng góp của nhân dân. Là thành viên giám sát việc thi công các công trình, các thành viên Ban TTND xã đã phát huy tinh thần trách nhiệm, yêu cầu các đơn vị thi công xây dựng cơ bản trên địa bàn đảm bảo đúng chất lượng, thiết kế, qua đó khắc phục được những sai phạm, tiêu cực...

Tìm hiểu hoạt động của các Ban TTND xã, phường, thị trấn trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy mặc dù nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, song hiện nay điều kiện hoạt động của các Ban TTND rất khó khăn: Cụ thể, kinh phí hoạt động của Ban TTND hiện mỗi năm chỉ được cấp từ 1,5-2 triệu đồng. Ở một số địa phương, Ban TTND vẫn chưa được cấp kinh phí hoạt động. Các thành viên Ban TTND không có phụ cấp, hoạt động chủ yếu dựa vào lòng nhiệt tình. Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng thanh tra, giám sát cho các cán bộ làm công tác TTND chưa được quan tâm đúng mức. Đây chính là nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả hoạt động của các Ban TTND. Ở nhiều địa phương, Ban TTND chưa thể hiện được vai trò của mình... Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các Ban TTND, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát, phát hiện, kiến nghị xử lý các sai phạm ở cơ sở, những bất cập trên cần sớm được khắc phục./.

Trần Duy Hưng

Đọc thêm