Lực lượng thanh niên góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp. Vì thế, "việc phát huy ”sức trẻ” của hơn 500 công chức ở độ tuổi thanh niên luôn được Bộ Tư pháp đặc biệt quan tâm trong quá trình thực hiện các chính sách chung về công chức, thanh niên và Luật Thanh niên...”, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cho biết tại Hội nghị tổng kết 7 năm thi hành Luật Thanh niên năm 2005 của Bộ Tư pháp sáng qua.
Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền phát biểu tại Hội nghị |
3 năm, thu hút 30 sinh viên giỏi
- Thứ trưởng có thể cho biết, Bộ Tư pháp đã có chính sách đãi ngộ như thế nào đối với những sinh viên tài năng để tuyển dụng được đội ngũ công chức trẻ hiện nay?
- Ngoài việc thực hiện tốt và đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tuyển dụng công chức nói chung, Bộ Tư pháp đã triển khai Đề án đổi mới cơ chế thu hút, tuyển chọn và đổi mới chế độ, chính sách đối với cán bộ của Bộ Tư pháp đến năm 2015, trong đó đề ra chính sách thu hút các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, sinh viên tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo ở nước ngoài về công tác tại Bộ Tư pháp.
Đây là chính sách quan trọng của Bộ Tư pháp đãi ngộ đối với những sinh viên tài năng. Từ năm 2011, Bộ Tư pháp đã tổ chức các kỳ thi dành riêng cho các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của các cơ sở đào tạo luật trên địa bàn cả nước. Kết quả đã tuyển chọn được 33 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi về công tác tại Bộ trong các năm 2010, 2011 và 2012.
Không chỉ chú trọng thu hút sinh viên luật vào Bộ, đối với những sinh viên các ngành khác phù hợp với yêu cầu công việc của các đơn vị thì Bộ Tư pháp cũng có chính sách tuyển dụng theo thủ tục đơn giản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh viên đủ điều kiện, đáp ứng những tiêu chuẩn tuyển dụng của Bộ được gia nhập đội ngũ công chức và đóng góp cho các hoạt động của Bộ Tư pháp theo chuyên môn được đào tạo.
- Với 34% tổng số cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Tư pháp là thanh niên, Bộ Tư pháp đã phát huy “sức trẻ” này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Nhận thức rõ vai trò quan trọng trong thực thi các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp của cán bộ, công chức, viên chức ở độ tuổi thanh niên, Bộ Tư pháp đã có những chính sách quan trọng trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên có cơ hội, điều kiện phát huy năng lực, tham gia tích cực vào quản lý nhà nước và xã hội để phát huy vai trò, trí tuệ, sức sáng tạo của lực lượng thanh niên vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành.
Có thể thấy qua việc mạnh dạn và chủ động giao cho các công chức, viên chức là thanh niên trực tiếp chủ trì, triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, văn bản… quan trọng của Bộ, ngành; tạo điều kiện thuận lợi trong việc bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan, tổ chức về những vấn đề mà mình quan tâm và có cơ chế để bảo đảm cho thanh niên và tổ chức Đoàn của thanh niên tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trước khi ban hành, nhất là các chủ trương, chính sách và pháp luật liên quan đến thanh niên…
Ngoài ra, Bộ cũng rất chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức thanh niên, xây dựng Quy hoạch cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn sâu; Đề án, Quy chế đưa công chức trẻ đi thực tế tại các văn phòng luật sư làm cơ sở triển khai đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác cho đội ngũ công chức, viên chức là thanh niên một cách quy mô và bài bản...
Tạo điều kiện tối đa cho thanh niên tu dưỡng, trưởng thành
- Như Thứ trưởng từng đề cập, "một trong những điểm hạn chế của thanh niên là ”thiếu kinh nghiệm”. Vậy hạn chế này có là ”điểm trừ” đối với thanh niên trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ ở Bộ Tư pháp?
- Bộ Tư pháp rất chú trọng qui hoạch, bổ nhiệm công chức là thanh niên. Điều này đã được 42% công chức được hỏi đánh giá tốt. Nhưng cần lưu ý rằng, chỉ những người có đủ điều kiện mới được bổ nhiệm vào các chức danh phù hợp. Còn trong công tác qui hoạch thì luôn ”mở rộng” đến cả các công chức là thanh niên.
Đây được coi như một nguồn nhân sự cho việc bổ nhiệm khi đủ điều kiện. Bởi trong thời gian được qui hoạch, các công chức là thanh niên sẽ được đào tạo, bồi dưỡng, bố trí các công việc để dần khắc phục những hạn chế do ”thiếu kinh nghiệm”, trau dồi năng lực, phẩm chất, trưởng thành hơn trong công việc, đáp ứng các tiêu chuẩn của một công chức đảm nhiệm các chức danh quản lý trong tương lai.
Sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ có Đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo cấp Vụ tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (đang trình Ban cán sự Đảng phê duyệt và triển khai thí điểm trong năm 2013, 2014 và 2015). Đề án này rất quan trọng trong việc tạo động lực, cơ hội cho thanh niên có năng lực sớm được giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp vụ tại các đơn vị thuộc Bộ.
Ngay trong quy hoạch lãnh đạo cấp Vụ và cấp phòng giai đoạn 2011-2015, 20% công chức trong độ tuổi thanh niên đã được quy hoạch vào các chức vụ lãnh đạo quản lý cấp phòng (16%), cấp Vụ (4%) của các đơn vị thuộc Bộ. Trên thực tế, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm một số công chức trong độ tuổi thanh niên (dưới 30 tuổi) giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý cấp phòng, lãnh đạo cấp vụ để tăng cường công chức lãnh đạo cho địa phương.
- Từ những kết quả đó, Thứ trưởng có thể nhận xét một cách ngắn gọn về kết quả thi hành các chủ trương, chính sách, pháp luật về thanh niên, nhất là Luật Thanh niên của Bộ Tư pháp thời gian qua?
- Để triển khai thi hành Luật Thanh niên tại Bộ, ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp một mặt đã triển khai các hoạt động độc lập, đồng thời lồng ghép triển khai thi hành Luật trong triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp, thông qua đó góp phần đưa pháp luật về Thanh niên đi vào cuộc sống và bảo đảm cho thanh niên của Bộ, ngành Tư pháp thực hiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên trên các lĩnh theo quy định của Luật Thanh niên một cách đầy đủ, toàn diện và hiệu quả.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Hương Giang (thực hiện)